Tp.Hồ Chí Minh làm mới sản phẩm du lịch xứng tầm siêu đô thị
Nhiều sản phẩm mới kích cầu du lịch của các doanh nghiệp chứng tỏ sự chủ động, sáng tạo của Tp.HCM nhưng để thị trường phát triển bền vững vẫn là mục tiêu lớn hơn.
Sản phẩm mới, kỳ vọng mới
Từ đầu năm 2022, Sở Du lịch Tp.HCM đã hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới như Ngắm thành phố từ trực thăng hay Hoàng hôn đi du thuyền và nhận được phản hồi tích cực của du khách.
Ví dụ, tour trực thăng ngắm Tp.HCM và các khu vực lân cận từ trên cao đã được ngành du lịch Tp.HCM đưa vào khai thác, bước đầu cho thấy tiềm năng khi lượng khách đăng ký ổn định.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM chia sẻ với Người Đưa Tin: “Một trong những định hướng phát triển sản phẩm mới của Tp.HCM là phát triển đa dạng tour tham quan Tp.HCM (city tour) bằng phương tiện đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không và metro. Đến với "tour trực thăng" du khách sẽ có những trải nghiệm khác biệt bởi Tp.HCM không chỉ là một đô thị sống động mà còn có rừng, có núi, có biển và hệ thống sông ngòi dày đặc”.
Với tuyến đường ngắm Tp.HCM từ trên cao, điểm nhấn của tour này là ngắm trung tâm thành phố với những kiến trúc cổ kính. Sắp tới, Tp.HCM sẽ phát triển sản phẩm liên kết với Long An với các điểm ngắm từ trên cao không chỉ ở thành phố mà còn khu vực Cánh đồng bất tận, vùng dược liệu Đồng Tháp Mười, cũng như tiếp tục phát triển liên kết với các tỉnh, thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Cần Thơ… để đáp ứng ngày càng tốt hơn thị hiếu, nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Cuối tháng 5/2022, Tp.HCM triển khai sản phẩm du lịch tour du thuyền trên sông. Cũng theo bà Ánh Hoa, sản phẩm mới được xây dựng theo định hướng nâng cao chi tiêu của du khách, hướng tới phân khúc du khách trung và cao cấp.
Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM, du lịch đường thủy được đánh giá là một trong những sản phẩm đặc trưng của Thành phố này.
“Tp.HCM là một trong ít đô thị ở Việt Nam và trên thế giới có hệ thống sông ngòi, kênh rạch len lỏi trong nội đô, kết nối với các tỉnh thành khác nên chúng tôi xác định đây là sản phẩm tiềm năng và phát triển thành chủ lực”, bà Hoa khẳng định.
Qua chiến lược quảng bá sản phẩm mới trong thời gian qua của Tp.HCM, các chuyên gia nhận thấy, địa phương này hội tụ đầy đủ tiềm lực và nhân lực để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, có chiều sâu và đặc biệt là "sản phẩm có điểm nhấn, trọng tâm - trọng điểm" thì Tp.HCM cần nghiên cứu lại thị trường, định hướng xây dựng sản phẩm chủ lực, tạo sản phẩm có trọng tâm, điểm nhấn.
Thiếu sản phẩm trọng tâm
Chuyên gia du lịch Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thuyền Sài Gòn và Công ty Du lịch Du ngoạn Việt đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo trong xây dựng, định hướng sản phẩm của Sở Du lịch Tp.HCM.
Mặt khác, ông Xuân Anh cho rằng những tour du lịch này "không mang tính cơ bản, căn cơ, không bền vững" vì sản phẩm không hướng tới khách đại trà, giá thành cao nên rất khó để doanh nghiệp lữ hành triển khai.
Cũng theo ông Xuân Anh, xét nội hàm để phát triển du lịch, Tp.HCM đa dạng về văn hóa khi tập trung nhiều dân tộc cùng sinh sống như người Khmer, người Chăm, người Hoa... tạo nên sự đa dạng về lễ hội, ẩm thực.
"Cái thiếu của du lịch Tp.HCM là sản phẩm có yếu tố trọng tâm, mang nét đặc trưng, điểm nhấn. Chúng ta có đường sông nhưng sản phẩm cũng chưa thực sự tạo sức hút khiến du khách phải trầm trồ và nhất định trải nghiệm khi đến thành phố”, ông Xuân Anh chia sẻ.
Còn ông Huỳnh Văn Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, đơn vị chuyên tư vấn, xây dựng mô hình kinh tế đêm cũng thừa nhận, Tp.HCM đang thiếu sản phẩm kinh tế đêm để giữ chân khách dài ngày.
"Chúng ta có phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng dịch vụ nghèo nàn, trong khi phố đêm Bùi Viện thực chất là nâng cấp từ phố Tây", ông Sơn nói và cho biết ngay phố đêm Bùi Viện cũng không đủ "công suất" để gánh cả thành phố.
Cũng theo ông Sơn, gần như các đô thị phát triển mạnh về du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút lượng khách đến nhiều thì đa phần đều phát triển kinh tế đêm, sôi động.
"Thước đo cho sự phát triển đô thị, đặc biệt là du lịch, điểm đến thì phải có nền kinh tế đêm phát triển đặc sắc. Thành phố cũng nhìn ra sự việc và đã có kế hoạch phát triển khu vực Cần Giờ theo hướng phát triển kinh tế đêm một cách bài bản, có quy hoạch và chiến lược rõ ràng”, ông Sơn nói.
Cần chú trọng quy hoạch bài bản
Trong khi đó, chuyên gia du lịch Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt cho rằng, Tp.HCM phải nghiên cứu lại thị trường nguồn khách, từ đó đánh giá được nhu cầu, sở thích của du khách theo từng khu vực, quốc gia để đầu tư, kêu gọi đầu tư sản phẩm du lịch có trọng điểm, mang lại hiệu quả.
Ông Huê cho rằng: “Chúng ta không xem nhẹ thị trường khách đến từ bất cứ quốc gia nào, nhưng khách có quyền lựa chọn điểm đến. Vì thế, Tp.HCM phải vẽ lại bức tranh thị trường, sau đó đánh giá tài nguyên du lịch hiện có của các địa phương như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, quận 1... để định hướng sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch. Từ đó sẽ có những phương án xúc tiến, quảng bá đúng và trúng với từng thị trường nguồn khách”.
Tp.HCM hiện nay đang tập trung sản phẩm ở khu vực trung tâm chứ chưa chú trọng đến các quận, huyện vùng ven. Vì thế, bao năm nay chỉ chủ yếu làm sự kiện.
"Sản phẩm du lịch của thành phố hiện nay gần như dành cho tất cả thị trường khách, giống như đi câu chỉ dùng duy nhất một loại mồi trong khi dưới nước có nhiều loài cá khác nhau", ông Huê ví von.
Ở góc nhìn khác, ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour đánh giá, Tp.HCM có nhiều sản phẩm nhưng chủ yếu do các doanh nghiệp tự làm.
"Để hút khách, bên cạnh sản phẩm có sự đầu tư về trọng tâm, chuyên nghiệp cũng cần có nguồn lực về tài chính. Chỉ khi đủ nguồn lực tài chính mới xây dựng được sản phẩm thường xuyên để phục vụ du khách.
Mà hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư sản phẩm phục vụ du lịch tại Tp.HCM chủ yếu là cá nhân, công ty yêu thích lĩnh vực đó vì thế thiếu sự đồng bộ và không xác định được mô hình du lịch sẽ phục vụ cho nhóm thị trường khách nào, nguồn tài chính không đảm bảo nên dẫn tới tình trạng "điều gì dễ làm trước để thu hồi vốn". Do đó chúng ta phải lựa chọn những doanh nghiệp, tập đoàn lớn mang tính chuyên nghiệp, bài bản... để đủ tiềm lực tạo ra "điểm hút của sản phẩm" cho du khách”, ông Dũng phân tích.
Đồng thời, Tp.HCM cần tăng khả năng liên kết với các địa phương để đón những luồng khách mới, tạo sự "dịch chuyển, tránh tắc nghẽn nguồn khách". Do đó, Tp.HCm nên nghiên cứu xây dựng sản phẩm đặc trưng, độc đáo mà khách du lịch tới phải trải nghiệm với ấn tượng tốt, từ đó sẽ truyền tai, giới thiệu đến nhiều người hơn.