TP.HCM: Xây dựng đô thị nén ở 5 huyện ngoại thành

Chia sẻ Facebook
09/03/2023 10:01:58

Định hướng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh các huyện, sở, ngành chưa bàn đến việc huyện nào lên quận, huyện nào lên TP, mà chỉ hướng đến mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại III.

TP.HCM: Xây dựng đô thị nén ở 5 huyện ngoại thành

Các huyện, sở, ngành chưa bàn đến việc huyện nào lên quận, huyện nào lên TP, mà chỉ hướng đến mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại III.


Sáng 8-3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc TP giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN


Tránh kiểu phát triển đô thị tự phát

Ông Võ Văn Hoan nói cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án vì đã trễ hai năm. Nếu để trễ hơn thì những nghiên cứu sẽ “đổ sông đổ biển”. Định hướng cho các huyện, ông Hoan lưu ý chiến lược phát triển đô thị của mỗi huyện cần dựa vào đặc điểm, gắn với thực tiễn của từng địa phương.

Trong đó, huyện Cần Giờ cần phát triển theo hướng đô thị sinh thái nghỉ dưỡng. Huyện Hóc Môn chủ yếu là đô thị sinh thái gắn với dịch vụ y tế, văn hóa, vui chơi, giải trí... Huyện Nhà Bè phát triển theo hướng đô thị sông nước, đô thị cảng. Huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi cần phát triển theo hướng khu đô thị phức hợp, là khu vực tạo ra sản phẩm hỗ trợ cho những khiếm khuyết của đô thị trung tâm.

Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, phải xây dựng đô thị nén, đưa người dân lên ở cao tầng để dành không gian ở dưới cho cơ sở hạ tầng, không gian công cộng, tránh lãng phí đất đai không chỉ của Nhà nước mà cả người dân.


Theo ông Hoan, cần nghiên cứu để phát triển các huyện trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM . Những đô thị vệ tinh này phải là đô thị hiện đại, sinh thái, đô thị xanh, đô thị số chứ không phải theo kiểu phát triển tự nhiên.

“Phải là đô thị có định hướng phát triển, vượt trội so với những định hướng phát triển đô thị bình thường. Việc phát triển phải có tính định hướng cao để khắc phục tình trạng phát triển đô thị theo hướng dầu loang, phát triển đô thị tự phát, có nhà ở trước khi có hệ thống hạ tầng” - ông Hoan nêu.

Cần xây dựng “con người đô thị”

Trong các đề án nhánh, chính quyền TP quan tâm chỉ đạo nghiên cứu về chủ đề con người đô thị để phù hợp với lối sống đô thị.

Các chuyên gia cho rằng con người là hồn cốt của đô thị nên rất cần đầu tư xây dựng “con người đô thị” tương thích trong môi trường mới. Các huyện ngoại thành có đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đến đâu mà không có “con người đô thị” thì sẽ xuất hiện lớp “nông dân mới ở nhà cao tầng”, “những người từ quê nghèo nhảy lên phố lớn”…


Xây đô thị nén, đưa dân lên cao

Phó Chủ tịch UBND TP lý giải thêm nếu cứ chạy theo đà phát triển như hiện nay thì dù không gian có rộng, cuộc sống vẫn rất chật hẹp, nghèo nàn. Đi vào các khu nhà trọ, nhà ở không có hạ tầng, không điện, không nước, đường sá mưa xuống thì ngập lụt, nắng lên thì bụi bặm.

Theo ông, quy hoạch phát triển đô thị phải nhìn ở khía cạnh phát triển toàn diện từ kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, hạ tầng, quản trị đô thị... chứ không chỉ tập trung phát triển công nghiệp hay nhà ở. Những đô thị này phải khác so với khu vực trung tâm.

Từ đó, ông Hoan yêu cầu các huyện xem xét lại chỉ tiêu phấn đấu thực hiện từ chỉ tiêu chung, có kế hoạch cụ thể đến năm nào đạt được chỉ tiêu theo quy định, phải có mục tiêu phấn đấu rõ ràng.

Với chỉ tiêu kinh tế, ông Hoan nói cần chú ý phát triển công nghiệp dịch vụ là chủ yếu, nông nghiệp thì cố gắng giữ ổn định, đảm bảo tăng trưởng ổn định. Các chỉ tiêu về công nghiệp, dịch vụ, ngân sách thì phải tìm cách, nỗ lực nhiều hơn để đạt tốc độ tăng trưởng đảm bảo theo tốc độ tăng dân số.

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các huyện phấn đấu lên đô thị loại III nhưng các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật phải đạt chỉ tiêu của đô thị loại I.

Theo ông Hoan, cần tính toán để có đô thị khác với đô thị trung tâm, có cơ sở vật chất tốt hơn, chăm sóc sức khỏe chu đáo hơn, không gian thoáng hơn; phải giỏi và hiện đại hơn khu vực trung tâm…, phải có tầm nhìn để chuẩn bị cơ sở hạ tầng trước một bước.

“Không ăn xổi ở thì, hôm nay chỉ nghĩ tới ngày mai thôi, phải tính trước một bước... Phải làm sao để không chỉ phục vụ cho nhu cầu của mỗi huyện mà hướng đến liên huyện, cho nhu cầu của người dân TP” - ông Hoan định hướng.

Muốn vậy, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng phải hướng đến phát triển đô thị nén.

“Cách duy nhất là xây dựng đô thị nén, đưa người dân lên ở cao tầng để dành không gian ở dưới cho cơ sở hạ tầng, không gian công cộng, tránh lãng phí đất đai không chỉ của Nhà nước mà cả người dân” - ông Hoan nói và cho rằng cần quy hoạch các vùng để hình thành các trung tâm đô thị mới.

Đến năm 2030, cần xây dựng năm huyện đạt chuẩn đô thị

Báo cáo đánh giá tổng quan, TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết khi đối chiếu với các tiêu chí phân loại đô thị, cả năm huyện ngoại thành đều không đạt tiêu chí loại I là lên quận. Thay vào đó, tiêu chí đơn vị hành chính cấp TP thuộc TP lại khả thi hơn (tức đô thị loại III).

Theo TS Tân, mô hình chuyển lên đơn vị hành chính cấp quận là khó, nhất là với các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh bởi còn diện tích đất nông nghiệp nhiều. Các huyện chủ yếu vướng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải đạt tiêu chí cấp phường.

Trong khi đó, tiêu chí đơn vị hành chính cấp TP thuộc TP cho phép giữ lại 35% trong tổng số xã nông thôn. Mô hình này phù hợp với ba huyện nêu trên, ba huyện này có khả năng phấn đấu đạt đô thị loại III vào năm 2030. Còn huyện Nhà Bè đang tiệm cận với đô thị loại II, huyện Bình Chánh gần đạt đô thị loại III.

TS Nguyễn Ngọc Hiếu, ĐH Việt Đức, chủ nhiệm đề án nhánh phát triển hạ tầng, nói để tập trung xây dựng thành đô thị bứt phá, các huyện cần chú trọng phát triển hạ tầng, giao thông công cộng trước tiên.

THANH TUYỀN


Pháp luật TPHCM

Chia sẻ Facebook