TP.HCM: Trẻ em đến viện vì sốt xuất huyết tăng, nhiều ca bị sốc nặng, nguy hiểm

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 12:14:23

Thời gian gần đây, các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM điều trị nhiều trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca bị sốc nặng, tổn thương đa cơ quan. Có ca ngưng thở, ngưng tim trước nhập viện.

Bé gái 8 tuổi từng bị sốc sốt xuất huyết nặng, suy hô hấp, tổn thương gan được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - Ảnh: BVCC


Theo các bác sĩ, mùa mưa năm nay tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đến sớm, do đó dịch sốt xuất huyết có nguy cơ sớm lan rộng. Tuy vậy vẫn còn nhiều gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm nên khi trẻ được đưa đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn.


Tăng gấp 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ

PGS Phạm Văn Quang, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện Nhi đồng 1 tăng gấp 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, trong hai tuần đầu tháng 4, khoa hồi sức tích cực - chống độc đã điều trị gần 10 ca sốc sốt xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan. Có ca ngưng thở, ngưng tim trước nhập viện.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho biết từ Tết Nguyên đán đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 - 150 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong số này có 10% trẻ phải nhập viện điều trị.

Hiện khoa nhiễm của bệnh viện đang điều trị khoảng 50 - 60 trẻ mắc sốt xuất huyết. Trong đó có trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng, thậm chí có trẻ vừa mắc sốt xuất huyết nặng vừa mắc COVID-19. Những trường hợp này ghi nhận chủ yếu trẻ có cơ địa béo phì.


Điển hình trường hợp nam bệnh nhi 12 tuổi (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) có cơ địa béo phì (nặng 67kg) bị sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, xét nghiệm nhanh dương tính COVID-19. Diễn tiến bệnh của trẻ vào những ngày sau càng nặng hơn nên gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố.

Qua siêu âm ổ bụng, bác sĩ thấy có dịch dưới bao gan, phù nề túi mật, dịch tự do ổ bụng, tràn dịch màng phổi hai bên lượng ít. Chẩn đoán trẻ bị sốc sốt xuất huyết Dengue ngày 5. Đây là trường hợp vừa nhiễm COVID-19 vừa sốc sốt xuất huyết, gây nhiều khó khăn trong điều trị vì không có chỉ định sử dụng thuốc chống đông, chống viêm do có thể gây nguy cơ xuất huyết nhiều hơn.


Trường hợp khác là bé gái 8 tuổi (ngụ tỉnh Tiền Giang) được các bác sĩ chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, tổn thương gan nặng, suy hô hấp, phải thở máy...

Khai thác bệnh sử ghi nhận trước đó trẻ sốt cao 3 ngày liên tục, đến ngày thứ 4 thì bớt sốt nhưng lại ói ra dịch nâu lợn cợn, đau bụng, lừ đừ, mệt, tay chân lạnh nên được gia đình đưa đến các bệnh viện địa phương và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố do tình trạng sức khỏe chuyển biến xấu.


Mùa mưa đến sớm, trẻ nhập viện muộn


Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm và giai đoạn cao điểm của bệnh tại TP thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau - thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên thực tế hiện nay đã có nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết, với nhiều ca bệnh nặng, thậm chí có ca tử vong.

Lý giải nguyên nhân này, PGS Phạm Văn Quang cho biết năm nay mùa mưa đến sớm và theo chu kỳ 3-4 năm thì bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng và năm nay "rơi đúng" chu kỳ này nên người dân cần phải cảnh giác.

Bên cạnh đó, người dân còn tâm lý sợ dịch bệnh COVID-19 nên hạn chế đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám dù đã có triệu chứng. Hoặc vì người dân quá lo dịch bệnh COVID-19 mà quên đi bệnh sốt xuất huyết và các bệnh lý cũng có triệu chứng sốt khác như tay chân miệng.


"Thực tế có những trường hợp gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm bệnh cảnh nên khi trẻ được đưa đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn. Khi đó việc hồi sức ở những trẻ này rất phức tạp, tỉ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này nếu vượt qua được", PGS Quang chia sẻ.

Các bác sĩ cho biết, với những triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên dễ bỏ sót.

Do đó, phụ huynh cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)...


Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.

Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong. Vì vậy các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên phải đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.

Phụ huynh không nên chủ quan, hoặc tự mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ, bởi trẻ có thể chuyển nặng đột ngột vào ngày thứ 3-7 của bệnh - thời điểm thường giảm hoặc hết sốt, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng.

Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.

Ngừa sốt xuất huyết và nguy cơ 'dịch kép' Trong 11 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận trên 68.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 21 ca tử vong (TP.HCM 4 ca).

Chia sẻ Facebook