TP.HCM thiếu hơn 15.200 tỉ đồng chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người bị COVID-19

Chia sẻ Facebook
19/04/2022 11:53:54

Nhu cầu kinh phí chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân TP.HCM là 32.411 tỉ. Tuy nhiên, khả năng cân đối của ngân sách TP chỉ 17.206 tỉ, còn thiếu 15.205 tỉ. Trong khi đó, trung ương mới hỗ trợ cho TP 2.000 tỉ đồng.

Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình - Ảnh: THẢO LÊ

Chiều 18-4, Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM tái giám sát Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Lao động - thương binh và xã hội về kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch và một số chế độ chính sách hỗ trợ người dân bị tác động (buổi giám sát hôm 14-4 trước đó phải hủy lịch).

Chủ trì buổi giám sát là ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - xã hội. Tham gia có các đại biểu HĐND, lãnh đạo Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Lao động - thương binh và xã hội, các địa phương.

Đã hỗ trợ 6,5 triệu người, nhưng vẫn thiếu tiền chi hỗ trợ

Báo cáo đoàn đại biểu, đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM cho biết đến nay TP đã chi hỗ trợ cho hơn 6,5 triệu người theo nghị quyết 97.

Tuy nhiên, vẫn còn huyện Củ Chi, Bình Tân và Bình Chánh chậm tiến độ chi hỗ trợ cho người dân do thiếu kinh phí… Do đó, sở này đề nghị Sở Tài chính nhanh chóng tham mưu UBND TP bổ sung kinh phí cho các địa phương chi hỗ trợ đợt 3.


Đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết hiện huyện mới chi được 41% so với danh sách được phê duyệt ở nghị quyết 97. Sau khi được yêu cầu, địa phương này đã rà soát lại danh sách, loại bỏ 5.000 người do không còn tại địa phương hoặc đã nhận hỗ trợ từ bảo hiểm xã hội. Địa phương này cần thêm 466 tỉ để chi gói hỗ trợ này.

Tương tự, quận Bình Tân cũng còn 308.000 trường hợp chưa được chi hỗ trợ đợt 3. Cùng với huyện Bình Chánh, quận Bình Tân đề nghị sớm được bổ sung ngân sách để chi hỗ trợ cho người dân.


TP gặp khó trong việc cân đối ngân sách

Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Trần Mai Phương nêu ý kiến - Ảnh: THẢO LÊ

Đưa lý do về việc Sở Tài chính chưa phân bổ tiếp ngân sách cho các địa phương chi hỗ trợ, bà Trần Mai Phương - phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - cho biết UBND TP đã bố trí dự toán kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động cho các sở ngành và các địa phương 18.368 tỉ.

Theo báo cáo, nhu cầu kinh phí chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân trên địa bàn là 32.411 tỉ. Tuy nhiên, khả năng cân đối của ngân sách TP chỉ 17.206 tỉ, phần kinh phí còn thiếu là 15.205 tỉ. Trong khi đó, trung ương mới chỉ hỗ trợ cho TP 2.000 tỉ đồng.

Thấy được hoàn cảnh hết sức khó khăn, ngành tài chính luôn phối hợp tham mưu UBND TP các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu và thực hành tiết kiệm.

Tuy nhiên do nguồn lực có hạn nên TP đang gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách. TP phải ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ hết sức cấp bách, đặc biệt là phục vụ cho công tác điều trị và tiêm chủng thần tốc để giảm thiểu số ca tử vong.

Sở Tài chính đã có công văn tham mưu UBND TP báo cáo Bộ Tài chính về việc ngân sách TP đang gặp khó khăn để thực hiện chi cho công tác phòng, chống dịch và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân theo các chế độ chính sách đã ban hành.

Không chỉ vậy, bà Phương cho biết thêm trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, các đơn vị xây dựng dự toán kinh phí với số tiền rất cao, làm áp lực rất lớn cho TP. Ngoài ra, số dự toán kinh phí chi công tác phòng, chống dịch liên tục thay đổi.

Đến nay, nhu cầu dự toán kinh phí chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân cũng chưa được rà soát, xác định chính xác. Do đó, Sở Tài chính tham mưu đề nghị các đơn vị rà soát danh sách để phân bổ ngân sách cho hợp lý.

Sẽ phân bổ kinh phí nếu nội dung, đối tượng đúng pháp lý

Kết luận buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM - cho biết các sở ngành, quận huyện đã tích cực thảo luận để tìm cách tháo gỡ các vướng mắc. Trước kiến nghị của các địa phương, Sở Tài chính cho rằng nếu các nội dung, đối tượng theo quy định, đã đầy đủ tính pháp lý thì sở này sẽ chi hỗ trợ.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng kiến nghị các sở ngành, địa phương kịp thời phối hợp, tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để quá trình thực hiện chính sách khách quan.

Ông Bình cho biết chính sách khi ban hành không kịp thời, không công khai minh bạch thì sẽ không có hiệu quả cao. Do đó, với các gói hỗ trợ, phải rà soát kịp thời, nếu không đúng đối tượng thì phải thu hồi, xử lý. Còn khi đã làm đúng thì phải công khai để bảo vệ uy tín cho tổ chức, cá nhân, tránh tình trạng bị xuyên tạc vì chính sách mập mờ.

Gần như tất cả chi phí cho khử khuẩn, vệ sinh trường trong mùa dịch, trường đều phải tự bỏ tiền. Trong khi đó, áp lực khử khuẩn, vệ sinh tại các trường là rất lớn.

Chia sẻ Facebook