TP.HCM: Tăng lượng doanh nghiệp thành lập, nhưng quy mô vốn giảm
Thông tin từ Cục Thống kê TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng nhưng quy mô về vốn giảm, nhỏ hơn mức trung bình cả nước.
Sáng 2-6, UBND TP.HCM tổ chức họp trực tuyến về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6, qua đó cho thấy TP vẫn tiếp tục trên đà phục hồi mạnh mẽ, kinh tế có mức tăng trưởng khá.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng - cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM - cho biết trong các tháng đầu năm, tình hình tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất còn khó khăn, cộng thêm áp lực về giá, ảnh hưởng đến việc sản xuất.
Theo báo cáo của UBND TP, t ổng vốn đăng ký và bổ sung 5 tháng đầu năm tại TP là 469.352 tỉ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2021. Trong đó có 17.259 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 226.848 tỉ đồng, tăng 11,12% về số lượng so với cùng kỳ, giảm 11,61% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
“Quy mô về doanh nghiệp thành lập mới đang giảm, vấn đề này rất cần quan tâm, doanh nghiệp đầu tư tại TP.HCM mà quy mô lại nhỏ hơn mức trung bình cả nước. Phải xác định giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm kinh tế, phải tiếp tục chỉ đạo rà soát giải quyết điểm nghẽn”, ông Hoàng chia sẻ.
Ngoài ra, về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cục trưởng Cục Thống kê cho biết thêm, theo số liệu của Kho bạc hiện nay TP chỉ mới giải ngân 14%, trong khi dư địa để tăng trưởng kinh tế thì vốn đầu tư thông thường khoảng 38% GDP. Các năm gần đây, đóng góp GDP trong vốn đầu tư đang giảm dần, từ mức 31,92% chỉ còn 20,3% trong năm 2021.
Song song đó, vốn đầu tư trong ngân sách càng giảm hơn, hiện tại chỉ còn 17%, trong khi năm 2010 là 30%. Hai năm dịch bệnh, nguồn đầu tư công từ các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vì thế vốn đầu tư nhà nước là một trong những nguồn dẫn dắt tiến độ phát triển của kinh tế TP.
Kết luận tại buổi họp, bà Phan Thị Thắng - phó chủ tịch UBND cho biết dù tiến độ phục hồi kinh tế TP đạt được một số kết quả nhất định nhưng chúng ta không thể hài lòng với kết quả này. Các cá nhân, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cần các cấp chính quyền đồng tâm phối hợp mới có thể giải quyết.
Với vấn đề tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, bà Thắng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng suy nghĩ đề ra giải pháp. “Chúng ta phải thấy rằng tiền kiếm đã khó, mà xài tiền không được, phải xem xét lại năng lực và trách nhiệm, cần tự mình rà soát lại xem các vướng mắc ở đâu”, bà Thắng nói.
Chiều 4-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 2, hai tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ tháng 3-2022.