TP.HCM tăng cường đảm bảo an toàn cho bà con đêm giao thừa

Chia sẻ Facebook
19/01/2023 15:10:36

Để đảm bảo an toàn cho bà con, mới đây, TP.HCM đã đưa ra kế hoạch phân luồng giao thông phục vụ cho chương trình bắn pháo hoa đón Tết Nguyên đán 2023. Mọi người nên tham khảo để thuận tiện cho việc di chuyển.

Nhắc đến Tết Nguyên đán, không thể không nhắc đến khoảnh khắc bắn pháo hoa đón giao thừa. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa lớn, không thể thiếu trong giây phút chuyển giao năm mới. Năm nay, TP.HCM cũng đã lên kế hoạch triển khai từ sớm. Mới đây, CSGT thành phố còn đưa ra thông báo về những tuyến đường cấm xe di chuyển.

TP.HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa ở 6 nơi. (Ảnh: Thanh Niên)

Thanh Niên đăng tải, thông tin trên được thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) đưa ra vào ngày 19/1 vừa qua (tức ngày 28 Âm lịch). Theo đó, trong năm nay, TP.HCM tổ chức bắn pháo hoa ở 6 điểm, gồm 1 điểm tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức) và 5 điểm tầm thấp tại: công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (phường Long Bình, TP.Thủ Đức; công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11); quảng trường Rừng Sác (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ); khu đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi) và khu truyền thống cách mạng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (huyện Bình Chánh). Riêng tại mặt sông Sài Gòn sẽ có một chương trình biểu diễn ánh sáng - nhạc nước - Drone ánh sáng nghệ thuật.

Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và dự phòng các tình huống khẩn cấp tại khu vực tổ chức bắn pháo hoa, CSGT TP.HCM sẽ cấm xe di chuyển ở một số tuyến đường nhất định, bao gồm: khu vực cầu Ba Son, khu vực cầu Khánh Hội, đoạn đường Võ Văn Kiệt (từ giáp đường Tôn Đức Thắng đến đường Hồ Tùng Mậu), đường Hàm Nghi (từ giáp đường Tôn Đức Thắng đến đường Hồ Tùng Mậu).

Rất có thể khu vực xung quanh các địa điểm bắn pháo hoa sẽ rất đông người. (Ảnh: Người Lao Động)

Người dân nên biết những khu vực nào bị cô lập để thuận tiện cho việc di chuyển. (Ảnh: Lao Động)

Ngay từ 19 giờ ngày 30 tháng chạp (tức 21/1 Dương lịch), lực lượng chức năng đã bắt đầu tiến hành phân luồng giao thông. Cụ thể từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút ngày 30 tháng chạp, CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng khác tiến hành nhắc nhở, yêu cầu người và phương tiện không dừng, đỗ trái phép trên các tuyến đường chuẩn bị cấm, đặc biệt là tuyến Tôn Đức Thắng (đoạn từ hầm chui cầu Khánh Hội), đại lộ Võ Văn Kiệt (từ Võ Văn Kiệt - Tôn Thất Đạm đến Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ), đại lộ Mai Chí Thọ (từ đầu hầm TP.Thủ Đức đến đại lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch).

Ngoài dùng hệ thống loa nhắc nhở người dân không dừng, đỗ trái phép, các chiến sĩ được phân công ở từng khu vực sẽ hướng dẫn mọi người qua đường đúng nơi quy định, không di chuyển thành các nhóm nhỏ gây cản trở giao thông.

Từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, lực lượng CSGT thành phố và các đơn vị có liên quan sẽ cùng nhau thực hiện cô lập nửa chiều đường (hướng vào khu vực bắn pháo hoa). Phương tiện nào còn đang dừng, đỗ ở bên trong cũng sẽ được yêu cầu đưa ra ngoài. Đối với các tuyến đường hướng về khu vực cô lập, CSGT sẽ triển khai công tác phân luồng từ xa, hạn chế lượng phương tiện di chuyển tại đây, nhất là ở giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng (các xe từ hướng Nguyễn Hữu Cảnh rẽ phải hoặc đi thẳng vào đường Lê Thánh Tôn), giao lộ Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng (hạn chế phương tiện ô tô từ Lê Duẩn rẽ vào đường Tôn Đức Thắng), giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (các phương tiện di chuyển theo hướng ngược lại, không hướng về khu vực trung tâm). Riêng ở vòng xoay Công trường Mê Linh, các phương tiện buộc phải chuyển hướng qua đường Hai Bà Trưng hoặc qua đường Tôn Đức Thắng.

Từ 21 giờ 30 phút ngày 30 tháng chạp đến 0 giờ 15 phút mùng 1 (ngày 22/1 Dương lịch): Khi chương trình bắn pháo hoa diễn ra, lực lượng chức năng tiếp tục phân luồng giao thông từ xa, nhắc nhở, xử lý đối với các trường hợp dừng, đỗ xe trái phép. Tại 2 vị trí tiếp giáp (đường Mai Chí Thọ, đường Nguyễn Cơ Thạch), CSGT TP.Thủ Đức sẽ hạn chế để phương tiện di chuyển vào đường Tố Hữu.

Khu vực trước Chợ Bến Thành - nhà ga Metro (Vòng xoay Quách Thị Trang cũ) đảm bảo cấm dừng đỗ. Các phương tiện di chuyển ở giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng sẽ được phân luồng rẽ phải di chuyển về giao lộ Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng, không đi vào đường Lê Thánh Tôn hoặc quay đầu về Tôn Đức Thắng. Các tuyến đường xung quanh khu vực bắn pháo hoa như Nguyễn Hữu Cảnh, Đinh Tiên Hoàng, Hàm Nghi, Lê Lợi, các phương tiện chỉ được phép di chuyển theo hướng ra khỏi khu vực cô lập, cấm đi chiều ngược lại.

Lực lượng chức năng mong người dân thành phố tự giác chấp hành các quy định được đề ra. (Ảnh: Việt Nam Mới)

Dù xem bắn pháo hoa ở đâu, người dân cũng cần phải đặt an toàn sức khoẻ lên hàng đầu. (Ảnh: Sức Khoẻ Đời Sống)

Để người dân thuận tiện di chuyển, phía CSGT cũng đã đưa ra bản đồ hướng dẫn các tuyến đường thay thế tại những khu vực cô lập. Cụ thể:

- Hướng từ quận Bình Thạnh đi quận 4: Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Thị Nghĩa - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - quận 4.

- Hướng từ quận 4 đi quận Bình Thạnh: Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu - cầu Ông Lãnh - Nguyễn Thái Học - Nguyễn Thị Nghĩa - Lý Tự Trọng - Pasteur - Nguyễn Thị Minh Khai - đi quận Bình Thạnh.

- Hướng từ TP.Thủ Đức đi quận 3, quận 5: Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu – đường Ba Tháng Hai - đi quận 3 và quận 5.

- Hướng từ quận 3, quận 5 đi TP.Thủ Đức: đường Ba Tháng Hai – Cách Mạng Tháng 8 - Điện Biên Phủ - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Cơ Thạch - Mai Chí Thọ - đi TP.Thủ Đức.

Khi chương trình bắn pháo hoa kết thúc, lực lượng chức năng sẽ phát lệnh mở các khu vực cô lập tại một số giao lộ và liên hệ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho phép các phương tiện lưu thông qua hầm nhằm giảm tải áp lực giao thông. Điều này sẽ được quyết định dựa trên tình hình người đi bộ di chuyển trong khu vực cô lập.

Người dân có thể đi những tuyến đường thay thế khu vực bị cô lập. (Ảnh: Thanh Niên)

Trong đêm giao thừa, CSGT thành phố sẽ được huy động để làm nhiệm vụ phân luồng giao thông. (Ảnh: Công Lý)

Khi đi xem bắn pháo hoa, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm. Đặc biệt là luôn phải đề cao sức khoẻ và sự an toàn của bản thân và những người xung quanh. Khả năng cao các khu vực xung quanh địa điểm bắn pháo hoa sẽ có rất đông người qua lại. Vì vậy, mọi người khi di chuyển cần phải thật cẩn trọng, nhất là những gia đình có con nhỏ.

Đến những khu vực đông người, bà con cũng đừng quên đeo khẩu trang, đứng cách điểm bắn ít nhất 160 m, không vượt qua hàng rào bảo vệ khu vực bắn hay nghịch ngợm những công cụ, chi tiết còn sót lại của pháo hoa...

Người dân cũng cần phải đề cao ý thức, trách nhiệm khi đi xem bắn pháo hoa. (Ảnh: Thanh Niên)

Bắn pháo hoa là hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con đón Tết cổ truyền. Tuy nhiên, dù có yêu thích, háo hức đến mấy, mọi người cũng hãy nhớ bảo vệ an toàn sức khoẻ của bản thân nhé.


Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !

Không chỉ TP.HCM, nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước cũng tiến hành bắn pháo hoa đêm giao thừa, ví như Hà Nội, Đà Nẵng, Nam Định... Riêng ở Hà Nội đã có đến 30 điểm bắn pháo hoa, bao gồm 4 trận địa tầm cao kết hợp tầm thấp và hỏa thuật; 3 trận địa tầm cao kết hợp tầm thấp và 24 trận địa tầm thấp.

Để đảm bảo an toàn cho bà con, UBND thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương phải triển khai thực hiện kế hoạch một cách chặt chẽ, cụ thể, chuẩn bị chu đáo mọi mặt. Từ đó vừa đem lại sự an toàn, vừa giúp cho bà con vui xuân đón Tết.


Xem thêm tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook