TP.HCM: Sốt xuất huyết nóng bỏng, 1.111 ổ dịch

Chia sẻ Facebook
04/07/2022 08:39:36

Số ca sốt xuất huyết tăng nóng tại TP.HCM với 10 ca tử vong. Sáng 30-6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác đã đến kiểm tra, giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP.HCM.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi gia đình các bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN


Phó thủ tướng đã đến kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại UBND phường 5, quận 8 và đã có buổi họp với lãnh đạo UBND, ngành y tế TP tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để thảo luận, đề ra các giải pháp phòng và khống chế sốt xuất huyết, tránh "dịch chồng dịch".


1.111 ổ dịch sốt xuất huyết


Báo cáo với phó thủ tướng, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính từ đầu năm 2022 đến 29-6, TP.HCM đã có trên 20.950 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 172,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện TP đang điều trị 580 ca, trong đó có 278 ca do các tỉnh chuyển về (chiếm 48%). Trong số này có 237 người lớn và 343 trẻ em. Có 92 ca nặng (17 ca thở máy).

TP.HCM đã ghi nhận 10 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó nhiều nhất là Củ Chi (3 ca), Bình Chánh (2 ca), Bình Tân (2 ca), Hóc Môn (1 ca), quận 11 (1 ca), TP Thủ Đức (1 ca). Số bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3 ca), tăng 8 ca so với trung bình giai đoạn 2016 - 2020.

Từ đầu 2022 đến nay, TP.HCM cũng đã ghi nhận 1.111 ổ dịch. Các quận, huyện có ca mắc sốt xuất huyết cao là Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Hóc Môn, TP Thủ Đức, Củ Chi và Tân Phú.

Ông Vĩnh Châu cảnh báo, các quận, huyện trên sẽ có nguy cơ bùng phát dữ dội dịch sốt xuất huyết nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp chống dịch ngay từ bây giờ.

Về phân bố ca mắc sốt xuất huyết theo tỉnh thành cho thấy TP.HCM có số ca mắc, tử vong do sốt xuất huyết cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía Nam. Kết quả phân lập type huyết thanh gây bệnh cho thấy type D1 và D2 đang chiếm ưu thế, nhưng D2 đang gia tăng, mà D2 gia tăng thì dự báo số ca mắc và nặng, tử vong cũng gia tăng.

Qua những lần Sở Y tế xuống các quận huyện kiểm tra vẫn ghi nhận nhiều vật dụng, lốp xe đọng nước chứa nhiều lăng quăng, rác thải ở khu đất trống, khu dân cư, những công trình xây dựng, móng công trình, đến đồ chứa nước tưới cây cũng phát sinh lăng quăng... Nhưng hình thức xử phạt về các vi phạm trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết chưa thực sự phát huy hiệu quả (không xử phạt được hoặc khó xử phạt).

BS Nguyễn Thành Dũng, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết hiện nay bệnh sốt xuất huyết dần chuyển sang người lớn, gần đây chiếm hơn 50% ca mắc. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có chỉ tiêu 550 giường, những ngày bệnh sốt xuất huyết tăng như hiện nay thì mỗi ngày có hơn 700 bệnh nhân nằm điều trị. Bệnh viện hiện đang rơi vào tình trạng quá tải.

Ông Dũng cũng cho hay bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám bắt đầu tăng từ tháng 4 và tăng rất nhiều vào tháng 6: bệnh nhân nội trú trong tháng 4 là 436 ca, tháng 6 là 1.538 ca (tăng gấp 4 lần tháng 4). Sáng 30-6, có 363 ca sốt xuất huyết trong 700 ca nội trú. Trong đó, 185 ca ở TP và ở tỉnh 178 ca. Trong 185 ca sốt xuất huyết ở TP, có 149 người lớn và 36 trẻ em.


Phải phân luồng điều trị

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết là bệnh lưu hành, năm nào cũng có. Muốn không có sốt xuất huyết thì phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy. "Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết".

Hiện nay có một thực trạng là nhiều bệnh viện tuyến dưới cứ có bệnh nhân sốt xuất huyết là chuyển lên tuyến trên, trong khi sốt xuất huyết độ 1, độ 2 điều trị được ở tuyến huyện, độ 3 mới lên tuyến tỉnh và độ 4 mới lên tuyến trung ương, chứ cứ chuyển lên tuyến trên sẽ làm các bệnh viện tuyến cuối quá tải.

"Cả nước chỉ có 3 tỉnh, thành có bệnh viện nhiệt đới, các tỉnh khác thì bệnh viện tỉnh có khoa bệnh nhiệt đới, do đó các khoa này phải chịu trách nhiệm thu dung bệnh nhân từ độ 3 trở lên. Ngay ngày 1-7 Bộ Y tế sẽ có văn bản chấn chỉnh tình trạng này" - ông Tuyên nói.

Theo ông Tuyên, sốt xuất huyết cần phân luồng điều trị theo tuyến và áp dụng công nghệ thông tin trong điều trị bệnh. Khi có bệnh nhân nặng ở tuyến huyện có thể hội chẩn với tuyến trên qua telemedicine, trường hợp nào cần chuyển mới chuyển. Nếu chuyển bệnh lên tuyến trên nhiều mà phòng chống không tốt sẽ lây chéo bệnh trong bệnh viện.

"Sở dĩ một số nơi còn thiếu một số loại thuốc đặc biệt, vật tư y tế đặc biệt trên từng bệnh nhân là do Bộ Y tế tổ chức đấu thầu, mua sắm tập trung chậm" - ông Tuyên thừa nhận.


"Bệnh dịch không thể đợi chờ"

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Tôi sốt ruột vì năm nay dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn, chưa đến đỉnh dịch mà số ca đã vượt số mắc cả năm trước. Trong số các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có một tỉ lệ bệnh nhân bị type D2 nên nặng hơn", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự lo lắng tại cuộc họp.

Trước tình trạng hàng chục ca sốt xuất huyết tử vong, Phó thủ tướng chỉ đạo TP.HCM phải làm kịch liệt, làm liên tục chiến dịch tổng vệ sinh, "triệt" nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Sau khi chích vắc xin mũi 4 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và hỏi thăm những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện này, Phó thủ tướng nhận xét Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là anh cả tuyến đầu trong này.

"Khi tôi hỏi bà con nằm ở bệnh viện đều khen Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không thiếu cái gì, nhưng có ý kiến nếu tuyến tỉnh mà chữa tốt không phải lên đây, đỡ tốn tiền, trên đường đi xa vậy người bệnh cũng bị ảnh hưởng", Phó thủ tướng kể lại.

Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế phải xem xét rất nghiêm túc lý do tại sao bệnh viện các tỉnh chuyển bệnh nhân sốt xuất huyết lên ngay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới? Phải chăng là bệnh viện tuyến dưới thiếu thuốc và vật tư, nên để an toàn cứ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên? Phó thủ tướng cho rằng Bộ Y tế phải nhìn vào đúng sự thật để có các giải pháp.

Theo Phó thủ tướng, thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế có hai giải pháp. Giải pháp dài hơi là đấu thầu tập trung thế nào, sửa quy định..., còn quan trọng hàng đầu là giải pháp cấp bách bởi vì "bệnh của bà con không thể đợi chúng ta được".

Về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, ông Tuyên cho rằng khi cuộc sống bình thường trở lại người dân xuất hiện tâm lý chủ quan. Ông cho rằng TP.HCM đã thực hiện tiêm mũi 1 và mũi 2 tốt, tiếp tục triển khai tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Còn mũi 4, cần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" chưa tiêm để tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin. Cần nói rõ đây là tiêm để phục vụ phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc".

Chia sẻ Facebook