TP.HCM sẽ có phiên chợ Không tiền mặt

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 10:18:45

Con số tăng trưởng tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trong thực tế còn cao hơn khi mảng giao dịch rất sôi động là mua hàng và chuyển khoản chưa được thống kê.

Ban tổ chức và chuyên gia trao đổi với các cơ quan truyền thông báo chí tại họp báo - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG


Ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết bên lề buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2022 ngày 20-5. Chương trình do Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức.


“Hiện nay chúng ta mới thống kê các giao dịch cà thẻ hay thanh toán qua POS, trong khi giao dịch chuyển khoản giữa hai tài khoản cá nhân hiện nay rất phổ biến. Đi taxi chuyển khoản, mua hàng chuyển khoản, thậm chí ăn uống… những giao dịch này cũng là không tiền mặt và chưa được thống kê, nhưng là hành vi tiêu dùng rất phổ biến hiện nay”, ông Dũng chia sẻ.


Cũng theo đại diện VECOM, quan sát của hiệp hội cho thấy mua sắm thương mại điện tử vẫn đang giữ tốc độ tăng trưởng rất khả quan dù nhiều ý kiến cho rằng thói quen mua sắm online sẽ sụt giảm khi người dân trở về cuộc sống bình thường sau dịch.


Thực tế, lượng khách hàng mua sắm kênh thương mại điện tử tăng mạnh trong thời điểm dịch COVID-19 không rời đi mà họ ở lại, và vừa trở thành người mua hàng trung thành, người bán hàng. “Nhiều bà mẹ bỉm sữa nhìn thấy nếu mua hàng online họ không phải tay xách nách mang như khi đến cửa hàng. Các kênh mua sắm này cũng có nhiều ưu đãi, khuyến mãi đặc biệt phương thức thanh toán mới, đa dạng giúp các giao dịch mua sắm trên nền tảng online tiện lợi hơn", ông Dũng nói.

Ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu khai mạc buổi họp báo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG


Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết trải qua hai năm 2020-2021 căng thẳng vì dịch, nhiều người thấy được câu chuyện thanh toán không tiền mặt trong thời gian giãn cách đã trở nên quan trọng như thế nào.


"Báo Tuổi Trẻ đã mào đầu sự kiện hôm nay với việc nói về chuyện máy ATM ngày càng “ế” khách. ATM hiện không còn sử dụng như một công cụ rút tiền mặt nữa, mà người ta đang dùng nhiều cho thanh toán. Bên cạnh đó còn có các ứng dụng trên điện thoại khiến cho việc thanh toán trở nên rất dễ dàng.


Ngân hàng là một trong những trụ cột của lĩnh vực chuyển đổi số nhanh nhất và hiệu quả nhất, trong phong trào cả nước đang chuyển đổi số. Thanh toán không tiền mặt là một phiên bản trong thế giới chuyển đổi số đó", ông Lê Xuân Trung nhấn mạnh.


Chuỗi sự kiện thú vị hưởng ứng Ngày không tiền mặt


Sau một năm bị trì hoãn bởi dịch bệnh, để hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2022, một chuỗi sự kiện sẽ bao gồm các hoạt động từ hội thảo quốc gia đến phiên chợ, chuyến xe không tiền mặt sẽ diễn ra, xen vào đó là các hoạt động chạy bộ hưởng ứng và cuộc thi nhảy Dance Cover…

Ông Trần Xuân Toàn - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - trình bày những chương trình Ngày không tiền mặt sắp tới - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Hai phiên chợ không tiền mặt diễn ra vào ngày 4-6-2022 và ngày 12-6-2022 sẽ được tổ chức tại Khu công nghệ cao TP.HCM và Khu chế xuất Tân Thuận. Đây là hoạt động do Chương trình Ngày không tiền mặt phối hợp Sở Công thương TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của các nhà cung ứng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Tại phiên chợ, công nhân có thể trải nghiệm các phương thức thanh toán không tiền mặt và được mua các sản phẩm với mức ưu đãi đặc biệt.


Đặc biệt, hội thảo quốc gia “Ngày không tiền mặt” theo truyền thống, được tổ chức dự kiến vào ngày 16-6, tại khách sạn Melia, Hà Nội, với quy mô khoảng 400 khách mời từ trung ương đến địa phương.


Các chủ đề nổi bật tại sự kiện này như triển khai đề án 06 và sự hòa nhập của ngành ngân hàng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; những vấn đề về con người, công nghệ, và tư duy chiến lược trong lộ trình chuyển đổi số ngành ngân hàng; các yếu tố bảo mật và quy chuẩn trong công nghệ thanh toán…

Tại đây cũng có không gian trưng bày các thành tựu thanh toán, công nghệ thanh toán hiện hành để các khách mời trải nghiệm.


Ban tổ chức cũng sẽ công bố kết quả bước đầu của cuộc “Khảo sát quy mô quốc gia về mức độ hài lòng của người dân về thanh toán không tiền mặt”. Buổi hội thảo cũng sẽ được livestream trên fanpage của Ngày không tiền mặt và báo Tuổi Trẻ .


Sau đó, chuyến xe không tiền mặt, xuất phát từ Hà Nội vào ngày 19-6, hành trình ghé đến nhiều địa phương như Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và về đến TP.HCM vào ngày 3-7. Tại các điểm dừng, người dân có thể tìm hiểu rõ hơn về thanh toán không tiền mặt, vừa có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm để nhận các phần quà từ các nhà tài trợ.

Tại ba điểm dừng Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, sẽ có thêm nhiều hoạt động sân khấu, tọa đàm, trò chơi, kết hợp với các chương trình trình trải nghiệm dành cho người quan tâm, khảo sát ý kiến…


Bên cạnh đó, giải chạy bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội hưởng ứng Ngày không tiền mặt cũng sẽ được tổ chức. Hoạt động này nhằm thúc đẩy sự quan tâm của người dân về các vấn đề thanh toán không tiền mặt, từ đó thay đổi rất nhiều thói quen trong phong cách sống và làm việc.

Những sự kiện này được tổ chức và thiết kế phù hợp để kích thích sự quan tâm của 3 nhóm đối tượng: từ những người chưa quen thuộc hoặc chưa biết gì về thanh toán không tiền mặt, đến những người đã và đang sử dụng thanh toán không tiền mặt, và nhóm người có những ảnh hưởng vĩ mô về chính sách trong lĩnh vực này.


Đặc biệt, cuộc thi Dance Cover sẽ khởi động vào ngày 27-5 với nhạc nền là ca khúc chính của Ngày không tiền mặt "Tap, Ting, Haha Hey!" được remix và sáng tạo thêm phần vũ đạo bởi Đăng Quang - tác giả của "vũ điệu rửa tay" được nhiều người trên thế giới cover cho ca khúc "Ghen Cô Vy".

Người tham dự sẽ cover lại điệu nhảy trên nền nhạc này, và giải thưởng sẽ được trao cho những bài nhảy vui nhộn nhất. Cuộc thi hướng đến thu hút sự quan tâm của đối tượng bạn trẻ, năng động vào thông điệp của chương trình để lan tỏa. Ngoài ra, trên microsite của Ngày không tiền mặt cũng giới thiệu nhiều ưu đãi và minigame để thu hút thêm sự quan tâm của nhiều đối tượng.


Ngày không tiền mặt do báo Tuổi Trẻ đề xuất (16-6) được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.

Chuỗi các sự kiện của “Ngày không tiền mặt năm 2022” tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu quan trọng của chương trình là hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đề ra, khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.

Không chỉ ở những hệ thống bán lẻ hiện đại, việc trả tiền mua sắm hằng ngày thông qua các phương tiện thanh toán hiện đại như mobile banking, ví điện tử, QR code... đang thành thói quen của nhiều người, nhất là sau đại dịch COVID-19.

Chia sẻ Facebook