TP.HCM muốn làm dự án điện gió gần 400.000 tỷ đồng ở Cần Giờ

Chia sẻ Facebook
16/06/2023 18:26:25

Dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ có diện tích hơn 325ha, tổng công suất lắp đặt 6.000MW, dự kiến đặt tại khu vực Nam Biển Đông.

Khu vực huyện Cần Giờ. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ vào danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt hôm 15/5, cơ cấu nguồn điện Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; giảm và bỏ hẳn nhiệt điện than. Định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW, không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới.

Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ do liên danh giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đề xuất.

Địa điểm khảo sát đầu tư là khu vực ngoài khơi thuộc Nam biển Đông. Tổng diện tích khảo sát khoảng 325.123 ha. Khu đất liền đặt trạm biến áp nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ nằm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, thuộc xã Hiệp Phước, Nhà Bè, với diện tích khoảng 8 ha.

Dự án có quy mô đầu tư khoảng 6.000 MW, tổng mức đầu tư là 313.372 tỷ đồng, chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 2031-2035 (giai đoạn 1) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia vào năm 2031 và 1.000 MW (giai đoạn 2) cho mục đích cấp điện sản xuất Hydrogen vào năm 2035.

Giai đoạn 2036 – 2040 (giai đoạn 3) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho các mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và 1.000 MW (giai đoạn 4) cho mục đích cấp điện sản xuất Hydrogen.

Tổng diện tích chiếm đất có thời hạn của dự án dự kiến khoảng 657,97 ha (giai đoạn 2031 – 2035) và 600,97 ha cho giai đoạn 2036-2040.

Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ cấp điện áp đấu nối vào lưới điện quốc gia 500kV, điểm đấu nối tại trạm Đa Phước.

Trước đó, quá trình lấy ý kiến, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho rằng về phương án đấu nối dự án cần dùng công nghệ tiên tiến đối với việc xây dựng trạm biến áp 220/500 kV để hạn chế diện tích chiếm đất, ảnh hưởng môi trường nước biển.

Đặc biệt, đường dây 500 kV đấu nối vào trạm 500 kV Đa Phước băng ngang huyện đảo Cần Giờ nên cần xem xét khả năng ảnh hưởng đất rừng phòng hộ. Ngoài ra, vị trí dự kiến của nhà máy được đặt tại ngoài khơi huyện Cần Giờ, do đó, cần thêm ý kiến chuyên môn của đơn vị quản lý an ninh quốc phòng của khu vực.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đây là dự án quy mô lớn dự kiến sử dụng 325.000ha mặt nước biển nên tác động của dự án tới kinh tế, xã hội, môi trường rất lớn.

Sở này đề nghị Sở Công Thương nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các tác động, đặc biệt là ảnh hưởng của dự án tới khu vực rừng ngập mặn.

Còn theo UBND huyện Cần Giờ, dự án sử dụng diện tích mặt biển khá lớn, cần xem xét sự tác động đến môi trường khu dự trữ sinh quyển thế giới; cần đánh giá luồng tàu tác động ra vào các cảng quốc tế, giải quyết việc làm cho ngư dân vì vùng biển đánh bắt bị thu hẹp.

Theo Sở Công thương, mỗi năm TP.HCM tiêu thụ 25 tỷ MW điện (10% cả nước) nhưng nguồn lấy từ Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) và khu vực xung quanh nên địa phương không chủ động được nguồn cung.


Minh Long

Lâm Đồng phê duyệt 2 nhà máy điện gió hơn 4.400 tỷ đồng Hai dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 và Xuân Trường 2 có tổng diện tích đất sử dụng gần 64 ha, ở TP. Đà Lạt.

Chia sẻ Facebook