TP.HCM: Kinh tế hồi phục hình chữ V, đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỉ

Chia sẻ Facebook
30/06/2022 16:04:45

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM từ mốc đáy âm gần 25% vào cuối quý 3-2021 khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, sang năm 2022 tình hình đã khởi sắc, thành phố ước đạt GRDP hơn 511.910 tỉ đồng (+3,82%) trong nửa đầu năm.

Nền kinh tế TP.HCM hồi phục sau đại dịch - Ảnh: BÔNG MAI


Tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022 vừa diễn ra chiều nay 30-6, ông Nguyễn Khắc Hoàng - cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM - chia sẻ nhiều dữ liệu quan trọng.


Theo đó, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn về bất ổn địa chính trị và kinh tế trên thế giới, nhưng trong nửa đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM ước đạt hơn 511.910 tỉ đồng, tương đương tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực thương mại - dịch vụ dẫn đầu nhóm tăng trưởng (+4,83%), tiếp đến là khu vực công nghiệp xây dựng (+2,23%), thuế sản phẩm - trợ cấp sản phẩm (+2,03%).


Nhìn vào tốc độ tăng trưởng GRDP theo quý trong hai năm 2021 và 2022, có thể thấy nền kinh tế TP.HCM đã có sự hồi phục theo hình chữ V và đến nay đang trên đà tăng ổn định. Đáng chú ý, trong khi GRDP giảm sâu ở quý 3 và 4-2021 với mức lần lượt -24,97% và -11,64%, thì sang nửa đầu năm 2022 đã đảo chiều tăng trở lại và hiện neo ở mốc +5,73% vào cuối quý 2.

Xét trên nhóm ngành cụ thể, chỉ số GRDP của ngành thương mại - dịch vụ từng lao xuống -19,95% vào quý 3-2021, nhưng sang quý 2 năm nay đã vực dậy +7,1%. Diễn biến ở ngành công nghiệp - xây dựng cũng gây chú ý, khi từ mốc -44,81% vào quý 3-2021, đến quý 2-2022 đã hồi phục lên +4,33%.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM theo các quý của năm 2021 và 2022 - Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM

Về cơ cấu GRDP của thành phố trong nửa đầu năm nay, lĩnh vực thương mại - dịch vụ đóng góp tỉ trọng lớn nhất (64%), kế tiếp là công nghiệp - xây dựng (+22%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (+13,5%) và nông - lâm - thủy sản (0,5%).


Về sản xuất nông nghiệp, nửa đầu năm nay ngành trồng trọt và lâm nghiệp có xu hướng tăng, riêng ngành chăn nuôi và thủy sản ghi nhận chỉ số giảm. Cụ thể, diện tích trồng rau các loại đạt hơn 4.480ha (+1,9% so với cùng kỳ năm trước), diện tích trồng hoa lan đạt hơn 621ha (+0,5%). Ở mảng lâm nghiệp, sản lượng gỗ khai thác đạt 3.580m 3 (+0,8%). Ở khu vực chăn nuôi, trong khi chăn nuôi bò đạt 104.777 con (-19,5%), thì chăn nuôi heo đạt hơn 168.170 con (+0,9%). Về ngành thủy sản của thành phố, sản lượng nuôi trồng và khai thác phát triển trái chiều nhau, trong khi nuôi trồng tăng 2,6% đạt gần 18.990 tấn, thì sản lượng khai thác giảm 6,2% với hơn 7.160 tấn.


Sáu tháng vừa qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận tăng 103,1%. Trong đó chỉ số ngành khai khoáng tăng mạnh nhất (+ 168%), kế đến là ngành điện - khí đốt - nước nóng - hơi nước (+106%), cung cấp nước - hoạt động xử lý rác thải (104,6%), công nghiệp - chế tạo (+102,6%).

Trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế hồi phục, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nửa đầu năm 2022 trên địa bàn TP.HCM cũng tăng trưởng ấn tượng 6,2% với hơn 556.440 tỉ đồng. Trong đó, riêng ngành dịch vụ khác giảm 5,5% (đạt hơn 117.200 tỉ đồng), các ngành còn lại đều tăng, như: bán lẻ hàng hóa (đạt hơn 335.595 tỉ đồng, +11,9%), lưu trú và ăn uống (hơn 40.150 tỉ đồng, +18,1%) và du lịch - lữ hành (hơn 3.530 tỉ đồng, +41,5%).

Việc giao thương, đi lại không còn gặp nhiều cản trở như trong đại dịch, nên chỉ số của ngành vận tải cũng tăng trưởng tốt. Lũy kế sáu tháng đầu năm nay, vận tải hành khách đạt hơn 359,7 triệu lượt khách vận chuyển (+40,1%) và luân chuyển gần 7,6 tỉ lượt khách (+22,1%). Đồng thời thành phố cũng ghi nhận con số gần 191,9 triệu tấn vận chuyển hàng hóa (+12%) và hơn 145,4 tỉ tấn luân chuyển hàng hóa.

Về tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp (từ 1-1 đến 20-6-2022), mặc dù số lượng cấp phép tăng, nhưng vốn lại giảm. Cụ thể, thành phố cấp phép cho hơn 21.410 doanh nghiệp thành lập (+13,4%), song mức tổng vốn chỉ đạt 260.130 tỉ đồng (-23,5%).


Diễn biến trái chiều giữa số doanh nghiệp đăng ký tăng và số vốn giảm cũng xảy ra ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu ( dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm, vận tải kho bãi, kinh doanh bất động sản, giáo dục - đào tạo, y tế và hoạt động cứu trợ, thương nghiệp bán buôn và bán lẻ, thông tin và truyền thông, tài chính ngân hàng, hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ).

Bên cạnh đó, từ đầu năm nay đến hết ngày 20-6, tổng số vốn cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng tới 55,2%, đạt mốc 2,21 tỉ USD. Tuy nhiên, nhìn vào các hạng mục cụ thể thì chỉ riêng hoạt động điều chỉnh vốn đầu tư tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước (đạt hơn 1,37 triệu USD), hai hoạt động còn lại đều giảm là góp vốn - mua cổ phần - mua lại phần vốn góp (đạt hơn 605 triệu USD, -11,9%) và dự án cấp mới giấy chứng nhận đầu tư (đạt hơn 231 triệu USD, +12,6%).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố nửa đầu năm 2022 đạt 140.275 tỉ đồng, tương đương tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước đều tăng lần lượt 5,8% (hơn 17.100 tỉ đồng) và 10,2% (hơn 103.230 tỉ đồng), phần ngân sách địa phương giảm 3,3% (đạt hơn 10.980 tỉ đồng).

Hoạt động du lịch ở thành phố cũng ghi nhận nhiều khả quan, với khách du lịch nội địa tăng 43% (hơn 11 triệu lượt khách) và khách du lịch quốc tế tăng mạnh 100% so với cùng kỳ năm trước (hơn 477.980 lượt khách).

Về hoạt động của ngân sách nhà nước, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước tăng 17,5% (gần 238.650 tỉ đồng). Trong đó thu từ dầu thô chiếm tỉ trọng cao nhất (85,1%), tiếp đến thu nội địa (17,6%), thu từ xuất nhập khẩu (9,6%) và thu viện trợ (0,1%).


Tổng chi ngân sách địa phương giảm 37,7% (đạt hơn 25.110 tỉ đồng). Riêng chi đầu tư phát triển giảm 76,9% (đạt hơn 4.770 tỉ đồng), còn phần chi thường xuyên lại tăng 9,8% (đạt hơn 19.290 tỉ đồng).


Về chỉ số giá tiêu dùng ( CPI) tháng 6 của thành phố tăng 3,26% so với tháng 12-2021 và bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,04% so với cùng kỳ 2021.

Về lao động và việc làm trong nửa đầu năm nay, thành phố giải quyết hơn 162.780 lượt việc làm (+7,9%), việc làm mới đạt hơn 72.750 chỗ (+6,7%). Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp ở mức 4,18%, có hơn 56.350 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhưng TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức như: khủng hoảng chính trị - kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản và thị trường tài chính trong nước nhiều hạn chế, thu nhập thực tế dân cư đang giảm.

Trong nửa cuối năm 2022, thành phố đặt ra 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỉ đồng, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, giải ngân đầu tư công, giải pháp để giảm giá xăng dầu, cải cách hành chính kèm cải thiện môi trường kinh doanh.

Dữ liệu kinh tế - xã hội TP.HCM trong nửa đầu năm 2022 do Cục Thống kê TP.HCM thực hiện:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2-2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021. Cán cân thương mại hàng hóa nửa đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Chia sẻ Facebook