TP.HCM: Kiến nghị mở tuyến kết nối đường Vành đai 3 với cảng Cát Lái - Phú Hữu

Chia sẻ Facebook
02/07/2022 16:26:30

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị mở tuyến đường kết nối Vành đai 3 với cảng Cát Lái - Phú Hữu, để phục vụ chở hàng hóa và giảm ùn tắc.


Nhằm giảm ùn tắc…

Theo văn bản đề xuất, TP.HCM đề nghị Bộ GTVT cho phép TP làm tuyến đường nối cảng Cát Lái - Phú Hữu đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3 nhằm phục vụ chở hàng hóa và giảm ùn tắc khu vực.

Lý giải về những nội dung đề xuất nêu trên, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, cảng Tân Cảng - Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai thuộc khu Đông Bắc của TP.HCM là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Và mặc dù sản lượng hàng container của cảng Cát Lái hiện chỉ chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% so với các cảng trên cả nước. Tuy nhiên, giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái - Phú Hữu hiện rất khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

TP.HCM đề nghị Bộ GTVT cho phép TP làm tuyến đường nối cảng Cát Lái - Phú Hữu đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3 nhằm phục vụ chở hàng hóa và giảm ùn tắc khu vực.


Do đó, trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, TP.HCM xét thấy cần thiết nghiên cứu bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cảng Cát Lái - Phú Hữu - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây  - Vành đai 3 TP.HCM.

Bên cạnh đó, cung đường mới dài 6 km, rộng 60 m, 12 làn xe, vận tốc 60 km/giờ. Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định, qua đường Nguyễn Thị Tư, sau đó đi qua rạch Bà Cua, Ông Nhiêu rồi kết thúc tại nút giao Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Thị Tư đến rạch Ông Nhiêu làm cầu cạn cùng đường song hành hai bên; đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến Vành đai 3 làm trên cao.

Chưa kể, tại cảng Phú Hữu, tuyến có hai nhánh cầu cho xe lên xuống. Khi đường được xây dựng, xe sẽ chạy liên tục từ khu vực cảng Cát Lái - Phú Hữu tới cao tốc, Vành đai 3 và ngược lại. Đây là tuyến đường chuyên dụng, chủ yếu phục vụ vận tải hàng hóa ra vào các cảng, góp phần giảm ùn tắc cho khu vực.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi: sau khi hình thành thì đây sẽ là đường chuyên dụng, chủ yếu phục vụ vận tải hàng hóa ra vào cảng Cát Lái - Phú Hữu, góp phần chia sẻ lưu lượng, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trịnh.


Như vậy, sự cần thiết sau khi hình thành thì đây sẽ là đường chuyên dụng, chủ yếu phục vụ vận tải hàng hóa ra vào cảng Cát Lái - Phú Hữu, góp phần chia sẻ lưu lượng, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trịnh...

Đồng thời, kết hợp điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, bổ sung các khu vực dịch vụ logistics lân cận cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu.

Trên cơ sở đó, theo kế hoạch, TP.HCM dự tính để làm tuyến đường này sẽ giải tỏa khoảng 59 ha đất và cần điều chỉnh một số quy hoạch. Vì vậy, chính quyền thành phố kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với các phương án xây dựng tuyến đường để có cơ sở triển khai các đầu việc tiếp theo.


Thành lập mô hình chỉ đạo dự án

Trước đó, liên quan tới việc triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn về triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Theo đó, UBND TP chấp thuận mô hình chỉ đạo thực hiện dự án theo đề nghị trước đó của Sở GTVT.

Cụ thể, Tổ công tác dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Vành đai 4 được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác Chính phủ) cần thiết phải được kiện toàn nhân sự, bổ sung một số nhiệm vụ quan trọng, mang tính chất liên tỉnh như các vấn đề kỹ thuật, vật liệu, chính sách bồi thường…

Tổ công tác Chính phủ sẽ chỉ đạo, điều phối chung các đơn vị liên quan của các địa phương trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án; chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan giữa các địa phương và bộ ngành Trung ương trong quá trình thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Tổ công tác sẽ họp (khi cần thiết) theo nội dung yêu cầu công việc cần phối hợp giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với bộ ngành Trung ương theo đề xuất của Ban chỉ đạo dự án TP.HCM (với vai trò đầu mối) hoặc khi có chỉ đạo của Tổ trưởng.

TP.HCM sẽ thành lập Ban chỉ đạo dự án của thành phố để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện các dự án thành phần của thành phố. Đây cũng là cơ quan đầu mối, trao đổi, phối hợp với Tổ công tác Chính phủ giải quyết các vướng mắc chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh.

Trưởng ban chỉ đạo là Thường trực Thành ủy cùng thành viên gồm đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Thường trực HĐND TP, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở GTVT, Bí thư Thành ủy TP.Thủ Đức và Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Nhiệm vụ cụ thể của mỗi thành viên do Trưởng ban phân công. Ban chỉ đạo họp định kỳ 1 tháng/lần và có xây dựng quy chế làm việc.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ thành lập Ban chỉ huy dự án của thành phố về đường Vành đai 3 là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo. Ban chỉ huy sẽ điều hành giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trưởng ban chỉ huy là Phó chủ tịch UBND TP; Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy là lãnh đạo Sở GTVT. Ban chỉ huy họp định kỳ 2 tuần/lần và có xây dựng quy chế làm việc.

Sở GTVT TP.HCM đánh giá Vành đai 3 là dự án quan trọng quốc gia với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi triển khai thực hiện hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Vì thế, phải có phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành dự án tương ứng để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Trong quá trình triển khai, các dự án sẽ phát sinh các vấn đề cần được nhận diện, giải quyết và tháo gỡ kịp thời để có thể đáp ứng tiến độ dự án; cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.

Chia sẻ Facebook