TP.HCM kiến nghị bác sĩ nước ngoài phải nói tiếng Việt khi khám, chữa bệnh
Sở Y tế TP.HCM đã có những kiến nghị và góp ý đối với dự thảo sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh nhằm tránh tình trạng liên tục tái diễn những hành vi vi phạm tại một số cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài.
Liên quan đến việc phòng khám đa khoa Quốc tế (Quận 1) và phòng khám đa khoa Hồng Phong (Quận 5), lén lút khám chữa bệnh trong thời gian bị đình chỉ hoạt động , chiều nay (1/12), tại buổi họp báo định kỳ, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã có hình thức xử phạt bổ sung ở khung tối đa đối với 2 cơ sở y tế này.
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, Thanh tra sở này đã phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03)- Công an Thành phố và Phòng Y tế Quận 1, Quận 5 tiến hành kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật tại các phòng khám trên. Qua kiểm tra ,Thanh tra Sở Y tế xác định các phòng khám trên đã vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế và bị xử phạt hành chính cùng hình thức xử phạt bổ sung ở khung tối đa.
Cụ thể, đối với vi phạm về cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, bị xử phạt với số tiền 100 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của các cơ sở trong thời hạn 24 tháng.
Trước đó, trong năm nay Sở Y tế cũng tổ chức kiểm tra Phòng khám đa khoa Quốc tế 2 lần và xử phạt vi phạm hành chính 2 lần với tổng số tiền 276 triệu đồng. Đối với Phòng khám đa khoa Hồng Phong, Sở Y tế thực hiện kiểm tra 4 lần và xử phạt vi phạm hành chính 2 lần với số tiền phạt là 235 triệu đồng.
Thống kê của Sở Y tế cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có 65 phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, bao gồm có nguồn vốn đầu tư nước ngoài hoặc có nhân sự nước ngoài tham gia hoạt động khám, chữa bệnh. Số bác sĩ người nước ngoài đang làm việc tại các cơ sở này là 120 người.
“Cần quy định bác sĩ người nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi Chứng chỉ hành nghề; bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh. Các quy định này nếu được ban hành phải sớm có hiệu lực. Cùng với đó, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn Chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu cơ sở tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi liên quan đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh”, bà Như nói.
Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo, người dân khi phát hiện các thông tin vi phạm trong lĩnh vực y tế cần phản ánh qua ứng dụng y tế trực tuyến, hoặc qua số điện thoại của thanh tra Sở Y tế TP.HCM: 0283.930.9672 để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm./.
Tỷ Huỳnh