TP.HCM được cấp hơn 5.000 liều vắc-xin DPT, hạn sử dụng dưới 1 tháng

Chia sẻ Facebook
04/12/2022 19:15:49

Hơn 5.000 liều vắc-xin DPT Bộ Y tế vừa phân bổ cho TP.HCM chỉ còn hạn sử dụng đến ngày 17/12/2022, tức chưa đầy một tháng kể từ khi được cấp.

Sau nhiều tháng liên tục thiếu hụt vắc-xin sởi và DPT trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, TP.HCM đã được Bộ Y tế phân bổ 10.000 liều vắc-xin sởi và hơn 5.000 liều vắc-xin DPT. Tuy nhiên, số vắc-xin DPT này chỉ còn hạn sử dụng đến ngày 17/12/2022, tức chưa đầy một tháng kể từ khi được cấp.

Tiêm vắc-xin cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM. (Ảnh minh họa: HCDC)

Chia sẻ với báo chí vào chiều 1/12 về tình hình cung ứng vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết ngày 25/11, TP.HCM đã nhận được 10.000 liều vắc-xin sởi và 5.140 liều vắc-xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) từ nguồn cung ứng của Bộ Y tế.

Ông Tâm cho biết số lượng vắc-xin sởi, DPT nói trên được Bộ Y tế phân bổ từ 434.000 liều cho cả nước để thực hiện các đợt tiêm chủng mở rộng.


Tuy nhiên, 5.140 liều vắc-xin DPT vừa được phân bổ cho TP.HCM sắp hết hạn sử dụng. Ông Tâm cho hay số vắc-xin DPT trên chỉ có thời hạn đến ngày 17/12/2022 và HCDC đã phân bổ ngay cho các quận, huyện. Sau đó các địa phương đã tiến hành tổ chức tiêm ngay trong ngày 25/11. “Do đó, chúng tôi phải tiếp tục sẵn sàng để nhận các đợt phân bổ tiếp theo”, ông Tâm nói.

Đại diện HCDC cho biết hiện thành phố vẫn đang thiếu 3 loại vắc-xin gồm: MR (sởi – rubella) – hết từ tháng 10/2022; vắc xin viêm não Nhật Bản và vắc xin bOPV (vắc xin bại liệt dạng uống) – hết từ tháng 11/2022.

Trong tháng 9 và tháng 10, Sở Y tế TP.HCM đã liên tiếp gửi văn bản tới Bộ Y tế đề nghị Chương trình Tiêm chủng quốc gia phân bổ vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng (vắc-xin tiêm miễn phí cho trẻ em).

Tại văn bản gửi trong tháng 10, Sở Y tế nêu 6 loại vắc-xin miễn phí cho trẻ cần được cung ứng nhanh chóng, gồm sởi, DPT (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván), viêm não Nhật Bản, lao, sởi – rubella và DPT – VGB – Hib (SII, vắc-xin phối hợp 5 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib).

Ngày 12/8, Viện Pasteur TP.HCM đã phân bổ 6.000 liều vắc-xin DPT (hạn dùng đến ngày 5/9) cho HCDC và đã sử dụng hết. Ngày 31/8, Viện Pasteur TP.HCM có thông báo kho vắc-xin của viện này đã hết các loại vắc-xin sởi và DPT.

Từ khi hết vaccine tiêm chủng mở rộng, nhiều phụ huynh phải cho con tiêm dịch vụ (có trả tiền), hoặc chờ có vaccine tiêm miễn phí, dẫn đến nhiều trẻ bị chậm lịch tiêm. HCDC cũng yêu cầu các trạm y tế lập danh sách trẻ đến tuổi mà chưa được tiêm chủng mở rộng để đến khi có vaccine thì mời tiêm ngay.

Trung tuần tháng 11, trên báo Thanh Niên, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết hiện có 3 nhóm tiêm vắc-xin cần quan tâm, là các trẻ sinh các năm 2019, 2020, 2021, với con số hàng ngàn trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Trẻ sinh năm 2019 cần tiêm sởi mũi 2, tiêm nhắc DPT. Hiện trên toàn TP, sởi mũi 2 còn thiếu 10%, tương đương 11.000 trẻ chưa tiêm, còn DPT thì thiếu rất nhiều.

Với trẻ sinh năm 2020, tỷ lệ đã tiêm chủng đầy đủ là 94,7%, thiếu 0,3% trên toàn TP. Nhưng xét quy mô phường, xã thì số trẻ thiếu lên đến 1.200 em, vì có những quận, phường đạt chỉ tiêu rất cao nhưng có những quận ở phường không đạt chỉ tiêu 95%.

Điều lo lắng đối với nhóm trẻ này là tỷ lệ trẻ được tiêm đủ 2 mũi sởi chỉ mới đạt 82,3%, thiếu 12,7% so với chỉ tiêu, tương đương 12.255 trẻ, gây nguy cơ lớn gây bùng phát dịch ở cộng đồng, tại những phường xã mà trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ (sởi là dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao nhất và sớm nhất khi theo ghi nhận của ngành y tế, dịch sởi ở Việt Nam thường xảy ra 4 năm 1 lần, trong đó dịch sởi gần nhất là từ tháng 10/2018 và kéo dài đến hết tháng 5/2019).

Với nhóm trẻ sinh năm 2021, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cũng chỉ mới đạt 82,7%, thiếu 12,3%, tương đương 10.000 trẻ chưa được tiêm.


Nguyễn Quân

Cầm cự mổ tim vì hết thuốc chống đông máu: Bộ Y tế nói 'do nhu cầu tăng'

Hàng loạt bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Tim Hà Nội, Tim mạch Quốc gia... đang cầm cự thuốc Protamin sulfat; Bệnh viện E hiện đã phải đi vay.

Chia sẻ Facebook