TP.HCM dự kiến tăng học phí năm học tới: Giám đốc Sở GD-ĐT nói gì?

Chia sẻ Facebook
19/05/2022 16:15:08

Trước nhiều băn khoăn về đề xuất tăng học phí các trường công lập ở TP.HCM trong năm học tới, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã trả lời phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ.

Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP.HCM) trong giờ tan trường ngày 17-5 - Ảnh: DUYÊN PHAN


Ông Hiếu cho biết: "Tôi rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà nhiều phụ huynh ở TP.HCM đã và đang phải trải qua. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều phụ huynh mất công ăn việc làm, nhiều hộ gia đình giảm thu nhập... Đến nay, cuộc sống bình thường mới cũng vừa lập lại được vài tháng, các phụ huynh đã đi làm lại nhưng thu nhập vẫn chưa ổn định hoặc không như ý.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM


Sở GD-ĐT TP.HCM biết rằng hiện tại là thời điểm nhạy cảm, cuộc sống của nhiều người dân vẫn chưa phục hồi như thời kỳ trước khi dịch bệnh bùng phát.


Tuy nhiên, quy định cũ về học phí của các cơ sở mầm non, phổ thông công lập đã hết hiệu lực.


Sở bắt buộc phải đề xuất mức học phí mới theo nghị định 81 của Chính phủ (về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ban hành ngày 27-8-2021). Việc đề xuất trên là sự chuẩn bị cho kỳ họp HĐND TP.HCM vào tháng 7-2022".

* Thưa ông, dư luận bức xúc về việc Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất mức học phí mới tăng gấp 5 lần ở bậc THCS và gấp hơn 2 lần cho bậc THPT. Ông nói gì về việc này?

- Nghị định 81 của Chính phủ quy định khung học phí cho năm học 2022 - 2023 như sau: bậc mầm non ở thành thị từ 300.000 - 540.000 đồng/tháng/học sinh; bậc THCS và THPT ở thành thị: 300.000 - 650.000 đồng/tháng/học sinh. Căn cứ vào khung này, sở đã đề xuất mức thấp nhất: 300.000 đồng/tháng đối với học sinh mầm non, THCS, THPT ở các quận trên địa bàn thành phố.

Học phí bậc THCS tăng gấp 5 lần vì hiện tại chỉ có 60.000 đồng/tháng/học sinh. Tương tự, bậc THPT hiện chỉ thu 120.000 đồng/tháng/học sinh. Dĩ nhiên, với tình hình thực tế như hiện nay, Sở GD-ĐT TP sẽ xin UBND TP và HĐND TP xem xét để quyết định thời điểm áp dụng mức học phí mới cho hợp lý.

Nếu thực hiện ngay từ đầu năm học 2022 - 2023 sẽ tạo gánh nặng cho phụ huynh do đây là thời điểm các gia đình phải chi rất nhiều khoản cho con em đến trường: không chỉ học phí mà còn tiền mua sách giáo khoa, tập vở, đồ dùng học tập...


Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm nên miễn học phí cho học sinh THCS.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU

* Được biết, trước đây Sở GD-ĐT TP.HCM đã từng đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS. Hiện tại Sở GD-ĐT TP có còn chủ trương này không, thưa ông?

- Năm 2018, Sở GD-ĐT TP.HCM cùng Sở Tài chính TP đã đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS. Đề xuất này đã được lãnh đạo thành phố ủng hộ nhưng rất tiếc cuối cùng không thể thực hiện vì vướng thủ tục, quy định hiện hành. TP.HCM đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS vì bậc THCS hiện là bậc học phổ cập. Việc miễn học phí là một chủ trương nhân đạo nhằm nâng cao dân trí, làm giảm tình trạng nghỉ - bỏ học...

Hơn thế nữa, việc miễn học phí sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thành phố thực hiện tốt giai đoạn giáo dục cơ bản theo nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới - PV) gồm hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản thì học sinh tiểu học đã được miễn học phí lâu nay rồi. Sở đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS để tất cả con em của người dân thành phố được đi học, được trang bị tri thức phổ thông nền tảng.

Đến thời điểm này, Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm nên miễn học phí cho học sinh THCS. Sau khi học hết lớp 9, học sinh sẽ có nhiều con đường để lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp của mình. Từ giai đoạn sau THCS, việc thu học phí đối với học sinh là hợp lý.

Một tiết học của học sinh lớp 6/2 Trường THCS Bàn Cờ (quận 3, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG


Nỗ lực để nâng cao chất lượng

* Thưa ông, nhiều phụ huynh thắc mắc rằng việc tăng học phí có đi đôi với việc tăng chất lượng giáo dục?

- Thật ra, học phí chỉ là một khoản nhỏ trong tổng kinh phí mà ngân sách thành phố chi cho giáo dục. Nó được xem là một nguồn kinh phí bổ sung cho các trường thực hiện các hoạt động giáo dục nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Nhiều năm nay TP.HCM không tăng học phí, thậm chí trong suốt năm học 2021 - 2022 TP.HCM miễn học phí cho tất cả học sinh công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập thì ngành GD-ĐT TP cũng vẫn nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học.

Về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, với bối cảnh khó khăn như vừa qua nhưng lãnh đạo thành phố vẫn rất quan tâm đến giáo dục, phê duyệt cho ngành GD-ĐT TP mua sắm trang thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT và còn theo đặc thù phát triển riêng của TP.HCM.


* Ông Dương Anh Đức (phó chủ tịch UBND TP.HCM): Thực hiện theo nghị định 81 của Chính phủ

Ngày 18-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, theo quy định, học phí của năm học này phải trình từ năm học trước đó nên vừa qua Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất mức học phí mới của các cấp học, bậc học là thực hiện theo nghị định 81 của Chính phủ.

Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được Chính phủ ban hành tháng 8-2021 đã có hiệu lực từ ngày 15-10-2021.

Do nghị định của Chính phủ quy định về học phí nên UBND các tỉnh thành bắt buộc phải tuân thủ và chỉ có thể đề nghị HĐND có gói hỗ trợ học phí cho học sinh (dựa trên tình hình kinh tế địa phương) để cấp bù kinh phí cho các trường. Với tình hình kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 nên trước đó TP.HCM vẫn thu học phí theo mức cũ.

Theo ông Đức, từ trước đến nay, TP.HCM luôn trình mức học phí thấp nhất theo nghị định của Chính phủ. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên đề nghị Chính phủ cho phép thành phố miễn học phí cho học sinh từ bậc THCS trở xuống, nhưng hiện vẫn chưa thể áp dụng được. Do vậy, vừa qua TP.HCM thực hiện chủ trương cấp bù toàn bộ học phí cho học sinh.

Nay sắp đến thời hạn UBND TP.HCM phải trình HĐND TP.HCM về mức học phí áp dụng cho năm học tới, nếu không sẽ không có căn cứ tính học phí và miễn giảm học phí (hỗ trợ học sinh). Do vậy, Sở GD-ĐT phải đề xuất mức học phí mới, tham mưu UBND TP xác định được gói hỗ trợ trình HĐND TP ban hành mức học phí mới và chính sách hỗ trợ người học.

"Tôi được biết Sở GD-ĐT đang soạn thảo đề xuất tiếp tục hỗ trợ học phí cho tất cả học sinh theo từng đối tượng cụ thể. Năm ngoái, do tình hình dịch COVID-19 nên HĐND TP.HCM đã đồng ý thực hiện việc cấp bù học phí. Còn năm nay, dựa trên các phân tích về tình hình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, Sở GD-ĐT đang cân nhắc có các đề xuất tiếp theo, từ đó có chính sách phù hợp để hỗ trợ người học ở tất cả các bậc học.


Tôi đã yêu cầu sở nghiên cứu phương án đó để trình và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền quyết định, đảm bảo việc tạo điều kiện thuận lợi nhất, không gây khó khăn cho người học. Với tình hình thực tế hiện nay, các địa phương đang trong quá trình bắt đầu phục hồi kinh tế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên chăng Chính phủ có thể trì hoãn lại thời gian áp dụng quy định mới theo nghị định 81 đến năm học sau nữa", ông Đức nói. ( TRẦN HUỲNH ghi)

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM đang soạn thảo đề xuất tham mưu UBND TP trình HĐND TP tiếp tục cấp bù học phí cho tất cả học sinh trong năm học tới.

Chia sẻ Facebook