Tp.HCM: Dự án BOT xây dựng bãi xe ngầm nghìn tỷ bị “khai tử”
Có tổng mức đầu tư khoảng 200 triệu USD nhưng 17 năm qua, bãi giữ xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1, Tp.HCM) nằm trên giấy, nay bị UBND Tp.HCM “khai tử”.
Tên đầy đủ của dự án là Xây dựng, khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại Công viên Lê Văn Tám, phường Đakao, quận 1.
Dự án BOT khủng
Hồ sơ của Sở Tài nguyên – Môi trường Tp.HCM cho thấy, cơ sở pháp lý thực hiện dự án là ngày 29/4/2005, Thủ tướng Chính Phủ có văn bản (số 530/TTg-CN) cho phép đầu tư dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao): Xây dựng, khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại công viên Lê Văn Tám.
Đến ngày 14/12/2006, Bộ Xây dựng có văn bản (số 2719/BXD-KSTK) thẩm định thiết kế cơ sở của dự án nêu trên.
Gần 2 năm sau, đến ngày 18/7/2008, UBND Thành phố này có văn bản (số 4464/UBND-ĐTMT) chấp thuận nội dung cơ bản về đầu tư dự án trên theo hình thức BOT do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Không gian ngầm (IUS) có địa chỉ tại 216/4 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3 làm chủ đầu tư.
Ngày 5/8/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư (số 31/BKH-GCNĐTTN) cho dự án trên, thời hạn nhà đầu tư được quản lý, khai thác công trình ngầm hoàn vốn đầu tư dự án là 50 năm, kể từ ngày khởi công xây dựng công trình.
Để xác lập, ngày 15/10/2009, UBND Thành phố này và IUS ký Hợp đồng BOT về xây dựng, khai thác tầng ngầm làm bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng tại địa điểm khu đất trên.
Ngày 25/01/2010, UBND Tp.HCM có Quyết định (số 417/QĐ-UBND) cho IUS thuê đất để thực hiện dự án xây dựng, khai thác tầng hầm làm bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng tại Công viên Lê Văn Tám.
Vào thời điểm năm 2010, ông Nguyễn Thành Tài, thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM ký văn bản chấp thuận miễn tiền thuê đất cho IUS, khi đầu tư xây dựng khai thác tầng ngầm làm bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng theo hình thức BOT tại khu vực Công viên Lê Văn Tám.
Phần miễn tiền thuê là đối với toàn bộ diện tích đất cùng với phần diện tích tương ứng ngầm dưới mặt đất để bố trí xây dựng công trình theo thiết kế được phê duyệt.
Căn cứ cơ sở pháp lý nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký Hợp đồng thuê đất (số 1060/HĐ-TNMT-QLSDĐ) ngày 29/2/2012 và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số CT12148 ngày 7/3/2012) cho IUS, với thời gian thuê đất là 50 năm, kể từ ngày 19/8/2012 (ngày khởi công xây dựng công trình theo cam kết của công ty) để đầu tư dự án.
“Đầu voi đuôi chuột”
Như trên đã đề cập, đến ngày 7/3/2012, IUS mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng, khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại Công viên Lê Văn Tám. Tuy nhiên, trước đó, ngày 8/8/2010, IUS và các bên liên quan đã tổ chức lễ động thổ dự án BOT này với hạng mục “khoan cọc nhồi”.
Có thể nói đây là những hình ảnh rất hoành tráng khởi đầu cho một dự án BOT có tổng mức đầu tư khủng tại Tp.HCM thời điểm đó.
Thời điểm triển khai, công trình dự kiến kết nối và các tuyến đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng (3 mặt đường của Công viên Lê Văn Tám), đồng thời được tính toán kết nối với các Nhà ga Metro của tuyến Metro trên đường Hai Bà Trưng trong tương lai.
Về tổng mức đầu tư dự án ban đầu là hơn 1.700 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD thời điểm đó, sau nâng lên thành 200 triệu USD), tổng diện tích sàn hơn 100.000m2 (diện tích mặt bằng công viên là hơn 6,2ha).
Về chiều sâu công trình là 15m, gồm một bên là 5 tầng hầm (chiếm 70% diện tích sàn) phục vụ đậu xe và hạ tầng kỹ thuật. Bên còn lại là 3 tầng hầm làm thương mại và dịch vụ công cộng. Theo thiết kế ban đầu, bãi đậu xe có sức chứa hơn 2.000 chỗ đậu xe máy và 1.250 chỗ đậu ô tô, 28 chỗ đậu xe buýt và xe tải.
Như vậy, Dự án nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thẩm định thiết kế cơ sở công trình.
Mặt khác, giữa UBND Tp.HCM và chủ đầu tư đã ký Hợp đồng xây dựng, kinh doanh và chuyển giao công trình (BOT).
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, việc đầu tư dự án này góp phần bổ sung hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh của Thành phố, đặc biệt là trong điều kiện bãi đậu xe công cộng còn bị hạn chế, nên cần sớm được triển khai.
Tuy nhiên, đến năm 2019, UBND Tp.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tiến hành chấm dứt hợp đồng đối với dự án BOT nêu trên.
Về dự án này và các thông thông tin liên quan, PV Người Đưa Tin đã liên hệ đến IUS nhưng chưa tìm được trụ sở của doanh nghiệp.
(còn nữa)