TP.HCM dôi dư hơn 5.700 công chức, viên chức, Bộ Nội vụ yêu cầu làm rõ trách nhiệm

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 19:19:34

Hiện nay TP.HCM có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng biên chế được Trung ương giao, trong đó có 3.601 công chức và 2.104 viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: HỮU HẠNH


Chiều 23-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm việc với UBND TP.HCM về vấn đề tổ chức bộ máy, nhân sự. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết TP.HCM hiện là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại công chức , viên chức dôi dư so với số lượng được Trung ương giao.


Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết hiện nay, tổng biên chế công chức Trung ương giao cho TP.HCM là 10.869 người, nhưng thực tế HĐND TP.HCM duyệt giao là 14.470 người, tức cao hơn gần 3.601 người.


Tương tự, số biên chế viên chức mà HĐND TP HCM giao cho thành phố là 99.985 người, cao hơn so với số lượng Trung ương giao là 97.881 biên chế. Như vậy, toàn TP.HCM hiện có 5.705 công chức, viên chức dôi dư so với số lượng được Trung ương giao.


Lý giải về sự chênh lệch này, ông Nhân cho hay "đây là vấn đề lịch sử", do quá trình quản lý cán bộ, công chức từ các năm trước. Tuy nhiên, theo ông Nhân số cán bộ, công chức này không dư, mà đều đang làm việc tại các sở ngành, quận huyện, phường xã. Ví dụ số lượng viên chức nhiều do tăng dân số cơ học khiến số lượng bệnh viện, trường học tăng hàng năm dẫn đến tăng nhân sự.


"Từ thực tế đó, thành phố đề xuất Trung ương công nhận số biên chế công chức mà HĐND đã duyệt và nhấn mạnh TP HCM đã nhiều lần nêu kiến nghị này nhưng chưa được Trung ương xác nhận. Nếu không công nhận được thì TP.HCM vẫn làm theo biên chế thế chứ không khắc phục được. Nếu cắt con số đang dư của TP sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động", ông Nhân nói.


Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay TP.HCM có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có. Ví dụ như đội quản lý trật tự đô thị, mỗi địa phương khoảng 50 người, 22 quận/huyện/thành phố đã có gần 1.000 người. Hay Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước.


Trao đổi lại, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng việc tăng biên chế công chức, viên chức như kiến nghị của TP.HCM là "cực khó khăn" vì Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của Bộ Chính trị đã "chốt" biên chế ở cả 63 tỉnh, thành.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng TP.HCM không chặt chẽ trong quản lý biên chế, thậm chí là "buông lỏng" dẫn đến là địa phương duy nhất trên cả nước còn tồn tại tình trạng còn một số biên chế không đúng cơ quan thẩm quyền, dẫn đến chênh với số lượng biên chế mà Thủ tướng giao.


Theo bà Trà, không tỉnh nào có tình trạng thế này. Đây là phát sinh duy nhất trên toàn quốc, không giải quyết được, làm rõ thì rất căng. "Nói chung chung thế là không được. Bắt đầu từ đâu, nguyên nhân thế nào, cơ sở ở đâu để HĐND quyết định giao biên chế công chức thế này, trách nhiệm thuộc về ai, hướng giải quyết thế nào", bà chất vấn.


"Tới đây Bộ Chính trị sẽ giao biên chế cho các địa phương nên thành phố sẽ phải giải trình, làm rõ nguyên nhân tại sao có sự chênh lệch giữa biên chế công chức thực tế và được giao, sau đó điều chỉnh hợp lý để vận hành chính quyền đô thị", bà Trà nói và yêu cầu TP.HCM phải có báo cáo giải trình thật kỹ về số biên chế công chức, viên chứ dôi dư gửi Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết trong tháng 7, TP.HCM sẽ đánh giá toàn diện, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đề xuất theo tinh thần làm sao đủ nhân lực thực hiện trách nhiệm, kết hợp với thực hiện nghiêm nghị quyết, phát huy tự chủ và cơ chế xã hội hoá để giảm gánh nặng thu ngân sách.

"Một số cán bộ, công chức phường bị chồng (hoặc vợ) cự nự, thậm chí ly hôn rất phổ biến vì thời gian dành cho gia đình rất ít. Thực tế có người 2-3 năm chưa nghỉ phép, chưa nghỉ thứ 7, chủ nhật" - chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức nêu

Chia sẻ Facebook