TP.HCM dạy trí tuệ nhân tạo cho học sinh

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 22:49:37

TP.HCM sẽ triển khai giảng dạy trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence) tại các trường THCS, THPT từ năm học 2022-2023.

Học sinh các trường phổ thông ở TP Thủ Đức tham quan Trung tâm AI - Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: V.NGUYÊN

Ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM


Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết:


Để thực hiện đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030 của UBND TP, ngành GD-ĐT TP đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý giáo dục, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá thông minh...


Việc triển khai giảng dạy AI trong trường phổ thông là một trong những hoạt động nhằm thực hiện đề án trên.

Thật ra, trong ba năm trở lại đây, một số trường trung học trên địa bàn TP đã giảng dạy AI cho học sinh. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng ở chương trình nhà trường hoặc hình thức câu lạc bộ. Năm học 2022-2023, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm giảng dạy AI trong chương trình chính khóa ở bậc THCS và THPT.


* Cụ thể học sinh sẽ được học những gì, thưa ông?

- Đầu tiên TP sẽ chọn năm trường THPT và mỗi quận, huyện chọn một trường THCS để thực hiện thí điểm dạy AI. Nội dung AI sẽ được lồng ghép vào môn tin học của chương trình. Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ bổ sung bằng hoạt động của câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, các hội thi có liên quan như nghiên cứu khoa học, hội thi lego, robotics...

Ngoài những trường được chọn thí điểm thì các trường khác vẫn có thể giảng dạy AI thông qua chương trình nhà trường (phụ huynh có nhu cầu, tự nguyện đăng ký và thống nhất với nhà trường về phương án giảng dạy, học phí...).

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã "đặt hàng" với Trường ĐH Sài Gòn để nghiên cứu khoa học Xây dựng chương trình giảng dạy AI cho học sinh TP. Khi đề tài này được nghiệm thu và các cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng vào thực tế thì sở sẽ mở rộng thực hiện giảng dạy AI đại trà ở tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.

* Như vậy, ngành GD-ĐT TP.HCM đã chuẩn bị như thế nào về đội ngũ và cơ sở vật chất để dạy AI cho học sinh?

- Sở đã và đang mở các lớp tập huấn dạy AI cho đội ngũ giáo viên tin học của nhà trường phổ thông. Về cơ sở vật chất, hiện đa số các trường đều đã có phòng máy cho học sinh học tin học.

Thời gian tới, sở cũng sẽ tham mưu để có bổ sung các phòng chức năng như phòng lab, STEAM... cho các trường. Bên cạnh đó, thủ trưởng các đơn vị cũng cần chủ động trong việc tận dụng, thực hiện xã hội hóa trong việc xây dựng các phòng học thông minh, phòng học đa chức năng để hỗ trợ giảng dạy AI.

Ngoài ra, các đơn vị cũng cần chủ động triển khai, mua sắm trang thiết bị cần thiết để đưa robot, mạch điều khiển, máy tính tự động hóa... vào trong nhà trường, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức sân chơi liên quan AI...


* Ông Cao Đức Khoa (hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1):


Học sinh rất thích

Trường chúng tôi đã triển khai dạy AI dưới dạng Câu lạc bộ robotic và tự động hóa từ ba năm nay. Các em học sinh rất thích thú, không chỉ vì chương trình cho trẻ được trải nghiệm, khơi gợi được sự sáng tạo, lòng đam mê... của học sinh mà còn rèn luyện cho học sinh nhiều kỹ năng cần thiết như kỹ năng hợp tác, chia sẻ, làm việc nhóm...

Học sinh được học hai tiết/tuần với chương trình tiên tiến, trang thiết bị hiện đại. Vì vậy, Câu lạc bộ robotic và tự động hóa ở Trường Huỳnh Khương Ninh có 100% học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tham gia.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của các trường khi thực hiện chương trình này là thiếu đội ngũ giáo viên và trang thiết bị giảng dạy. Các loại máy móc phục vụ cho việc giảng dạy AI "ngốn" kinh phí rất nhiều nên rất ít trường có thể mua sắm được.

Đội ngũ giáo viên tin học và giáo viên vật lý muốn dạy AI phải đi học bồi dưỡng chuyên sâu mới có thể đứng lớp. Trường Huỳnh Khương Ninh có điều kiện thuận lợi là thực hiện mô hình tiên tiến - hội nhập nên có điều kiện phối hợp với các đối tác chuyên ngành, họ cử giáo viên và mang máy móc, trang thiết bị đến trường giảng dạy. Nếu không, chúng tôi cũng sẽ rất khó khăn.


* Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên (trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức):


Cần sự đồng thuận của phụ huynh

Ngành GD-ĐT TP Thủ Đức dự kiến phối hợp với Trung tâm AI - Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM để triển khai giảng dạy AI cho học sinh tiểu học, THCS từ năm học 2022-2023.

Đến thời điểm này, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức đã tổ chức cho các cán bộ quản lý trường tiểu học, THCS trên địa bàn đến tham quan và tìm hiểu về chương trình giảng dạy tại Trung tâm AI.

Một số trường cũng đã tổ chức cho học sinh đến trung tâm để tham quan và tìm hiểu về lập trình cho robot. Chúng tôi cũng đã xin phép và Sở GD-ĐT TP đã có văn bản cho phép Thủ Đức triển khai chương trình này dưới dạng câu lạc bộ hoặc chương trình nhà trường. Dĩ nhiên, để thực hiện các trường phải nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh.


* Bà Phạm Thị Bé Hiền (hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong):


Dạy đại trà cho học sinh khối 10

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã triển khai giảng dạy AI cho học sinh các lớp chuyên khối 10, 11, 12 của trường từ học kỳ 1 năm học 2019-2020.

Theo đó, các học sinh sẽ được học về kỹ năng lập mô hình toán cho các vấn đề thực tế; nền tảng về toán cho AI; kỹ năng lập trình bậc cao; kỹ năng sáng tạo trong việc sử dụng AI như công cụ bổ trợ trí tuệ cho người dùng, giúp giải phóng sức lao động và sức sáng tạo trong các ngành nghề khác nhau...

Đến nay, chúng tôi đã triển khai dạy AI cho tất cả học sinh khối 10 với chương trình AI cơ bản. Đến lớp 11, 12 thì học sinh sẽ học AI chuyên sâu như: toán AI, lập trình AI, ứng dụng AI trong nghiên cứu khoa học... Vì vậy, các em học sinh sẽ tự nguyện đăng ký học theo nhu cầu và khả năng của bản thân.

Chia sẻ Facebook