TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp

Chia sẻ Facebook
02/01/2023 16:26:15

Tp.HCM đang thúc đẩy phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

Thúc đẩy nông nghiệp đô thị

Do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, quỹ đất nông nghiệp của Thành phố đang bị thu hẹp rất nhanh. Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000ha và dự kiến từ nay đến năm 2030, mỗi năm giảm thêm khoảng 1.500ha đất nông nghiệp.

Trước bối cảnh này, ngành nông nghiệp Tp.HCM đang chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng; đồng thời giảm diện tích trồng lúa, trồng mía, làm muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao. Đây được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cũng là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao cho nông dân thành phố.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM, toàn thành phố hiện có 113.634 ha đất nông nghiệp, chiếm 54,23% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao đến nay lên trên 400 ha. Những năm qua, Thành phố cũng đã hình thành Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao… Thành phố cũng đã hỗ trợ việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp, tổ chức và hộ nông dân trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị với những cách làm mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị nông sản và hướng đến xuất khẩu xuất hiện ngày càng nhiều, nâng dần tỉ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố. Theo thống kê, nếu năm 2010, tỉ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 10% thì đến nay tỉ lệ này được nâng lên khoảng 48% trong sản xuất nông nghiệp, giúp gia tăng đáng kể thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển sản xuất giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng thành phố trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống cây, con chất lượng, năng suất, giá trị cao của khu vực. Đồng thời, phát triển nông thôn mới theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao, đô thị văn minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp kiến nghị thành phố cần hỗ trợ vốn vay để đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Thành phố cần ban hành các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp.

Đồng thời, các ngành chức năng liên quan cần tăng cường rà soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản, cũng như chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp đầu vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Theo Chi cục trưởng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Thị Mai: thành phố có nhiều chính sách khác nhau để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Những chính sách này còn có hỗ trợ lãi vay, kích cầu đầu tư, trong đó ưu tiên phát triển các loại cây, con giống, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao... Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng các sở, ngành, quận, huyện xây dựng quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025.

Trong đó, sẽ bổ sung, nâng mức hỗ trợ nông dân tham gia và trở thành thành viên hợp tác xã theo định hướng khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã, dự kiến mức hỗ trợ lãi vay là 100% lãi suất. Bổ sung, nâng mức hỗ trợ các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn thành phố, dự kiến mức hỗ trợ lãi vay là 100% lãi suất. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ với mức hỗ trợ lãi vay dự kiến 100% lãi suất.

Để làm bàn đạp cho nông nghiệp đô thị phát triển bền vững, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy chuyển dịch phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... Trong đó, Sở chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường; tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao của thành phố; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa và Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Phòng nuôi cấy mô hoa lan Khu Nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM. Ảnh: Báo Nhân Dân

Là đơn vị chủ lực trong nghiên cứu, lai tạo giống, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, ông Lê Văn Cửa, Phó Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM cho biết: “Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM là đơn vị hình thành đầu tiên trong cả nước và đi vào hoạt động từ năm 2010. Đây là nơi đầu tàu trong các bước xây dựng, hình thành và phát triển, tạo ra điểm nhấn đột phá phục vụ cho nông nghiệp Tp.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung”.

Cũng theo ông Lê Văn Cửa, nhiệm vụ trọng tâm của Khu nông nghiệp công nghệ cao là đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, Khu cũng tập trung chọn lọc, lai tạo và sản xuất giống cây, giống con năng suất, chất lượng cao phục vụ cho sản xuất; nhất là tạo giống hoa, cây kiểng, rau ăn lá..


“Trong những năm qua, ngoài chuyển giao khoa học công nghệ tại Tp.HCM, chúng tôi còn chuyển giao cho các tỉnh Phú Yên , Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Lâm Đồng, Đắk Nông … Ngoài ra, hàng năm chúng tôi còn chuyển giao từ 10 - 20 doanh nghiệp tại các địa phương và cung cấp từ 1 - 2 triệu cây giống các loại. Bên cạnh đó, chúng tôi đang có đề án phát triển khả năng tăng nguồn năng lực đáp ứng 5 triệu cây trở lên”, ông Cửa chia sẻ.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM, mặc dù nông nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của Tp.HCM, nhưng lãnh đạo Thành phố cũng đã có những chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

“Hiện nay, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một chương trình nằm trong đề án kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thành phố sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao”, ông Đinh Minh Hiệp cho biết thêm.

Công ty Nấm Trang Sinh hoạt động trong Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM. Ảnh: báo Tin Tức


Cũng theo ông Đinh Minh Hiệp, một trong những giải pháp quan trọng đó là phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, tổ chức các nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao thể hiện vai trò của Khu nông nghiệp công nghệ cao , Trung tâm Công nghệ sinh học; đặc biệt là việc gắn kết giữa các trường, viện với các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân để cùng với các thành viên của CLB sản xuất kinh doanh giỏi xây dựng những mô hình trình diễn, giúp lan tỏa cho mọi người dân, qua đó đóng góp những sản phẩm chủ lực cho Thành phố.

Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam với diện tích 88,17 ha tọa lạc tại Củ Chi với tổng kinh phí đầu tư 152 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Khu đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc các lĩnh vực như hoa lan, cây kiểng và hoa các loại; sản xuất rau sạch, sản xuất nấm, cây dược liệu; sản xuất giống cá cảnh như cá dĩa và cá chép Koi; sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp...


Minh Hoa (t/h theo báo Tin Tức, báo Nhân Dân)

Chia sẻ Facebook