Tp.HCM: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch y tế

Chia sẻ Facebook
16/06/2023 15:33:13

Theo khảo sát của Sở Du lịch Tp.HCM, tại Việt Nam, khách du lịch đến khám chữa bệnh mang đến doanh thu khoảng 2 tỉ USD/năm.

Tiềm năng thị trường tỷ USD

Ngày 13/6, Sở Du lịch Tp.HCM đã phối hợp với Sở Y tế thành phố tổ chức lễ công bố sản phẩm du lịch Tp.HCM, với mục tiêu đa dạng sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.


Qua các nghiên cứu, khảo sát sau dịch Covid-19 của ngành du lịch, du khách trong và ngoài nước quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc trị liệu sức khỏe. Đây là cơ hội tốt để thúc đẩy du lịch y tế của Tp.HCM.

Theo nhiều chuyên gia, thực ra không phải tới bây giờ ngành du lịch thành phố mới đặt ra vấn đề phát triển du lịch y tế bởi trước đây, dù chưa có những sản phẩm chính thức, Việt Nam đã là một trong những điểm đến được du khách lựa chọn để đến... làm răng. Lý do khá đơn giản. Việt Nam có chi phí làm răng thấp hơn rất nhiều nước trên thế giới.


Báo Tiền Phong thông tin, theo thống kê của tạp chí International Living (Australia) , chi phí làm răng tại Việt Nam thấp hơn một số quốc gia như Mỹ, Canada, Australia từ 6 đến 10 lần. Còn so với một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia thì chi phí làm răng ở Việt Nam cũng rẻ hơn từ 30% đến 50%. Dù chi phí rẻ nhưng tại Việt Nam, chất lượng tay nghề của các nha sĩ cũng như việc đầu tư trang thiết bị, máy móc chữa trị cũng không thua kém bất kỳ quốc gia có nền nha khoa tiên tiến nào.


Năm 2018 International Living đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á được du khách Australia ưa chuộng vì có dịch vụ nha khoa chất lượng cao và chi phí thấp.

Với lợi thế trên, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, theo thống kê của ngành du lịch, hàng năm có khoảng trên 10 ngàn bệnh nhân nước ngoài sang Việt Nam để làm răng và đem về doanh thu cho ngành khoảng trên 150 triệu USD. Trong đó, du khách đến từ Australia, Mỹ, Newzealand nằm trong tốp 3 du khách quốc tế đến Việt Nam thường xuyên để thực hiện dịch vụ khám, chữa răng, kết hợp du lịch, trải nghiệm. Đó là chưa kể vào mỗi dịp lễ, Tết, hàng chục ngàn Kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về thăm quê kết hợp với việc làm răng.

Ông Đặng Vũ (Việt kiều Mỹ) về Việt Nam làm răng, kể: “Tôi thường về Việt Nam cấy ghép răng Implant. Tại Mỹ, chi phí cho mỗi lần làm răng như tôi lên tới 10.000 USD nhưng về Việt Nam tôi chỉ tốn khoảng 2.000 USD. Tay nghề của các nha sỹ ở Việt Nam giờ cũng không thua kém so với ở Mỹ, thậm chí các phòng khám nha khoa tại Việt Nam còn liên kết với các phòng khám tại Mỹ nên hồ sơ về răng của tôi luôn được bám sát, cập nhật đầy đủ. Về Việt Nam làm răng vừa rẻ, tôi vừa có dịp đi du lịch, thăm quê hương và bà con họ hàng...”.

Tại lễ công bố ra mắt các sản phẩm du lịch y tế, nhiều chuyên gia đánh giá, so với Du lịch Nha khoa, Du lịch Y tế có quy mô và tiềm năng lớn hơn nhiều.

Theo khảo sát của Sở Du lịch Tp.HCM, mỗi năm có khoảng 300.000 du khách đến Việt Nam có nhu cầu khám chữa bệnh, doanh thu ước tính có thể đạt khoảng 2 tỷ USD. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố, cho biết sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe và y tế có nhiều tiềm năng phát triển nhanh dựa trên hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với 131 bệnh viện, đội ngũ y - bác sĩ có trình độ chuyên môn cao với chi phí cho hoạt động khám chữa bệnh hợp lý. Các cơ sở y tế hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế tại TP HCM có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là khách du lịch có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe.

"Ngày càng có nhiều kiều bào, khách quốc tế đến Tp.HCM để tìm kiếm các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, trị liệu thẩm mỹ, nha khoa vì nhận thấy tay nghề của các y - bác sĩ và chất lượng dịch vụ, phục vụ rất tốt nhưng có mức chi phí cạnh tranh hơn nhiều so với nước sở tại", bà Ngọc Hiếu nói.


Theo tìm hiểu báo Người Lao Động, điểm nổi bật của các chương trình du lịch y tế đang được phối hợp triển khai với những bệnh viện uy tín như Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Từ Dũ, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Pháp Việt, Vinmec, Gia An 115, Viện Tim, Bệnh viện Quốc tế City, Bệnh viện Mắt Sài Gòn…

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, cho biết trong phát triển ngành y tế, sở cũng xác định phát triển du lịch y tế là một trong những giải pháp để cải thiện dịch vụ, hiện đại hóa quy trình khám chữa bệnh.

Trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu rõ sẽ xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, phát triển một số lĩnh vực cao. "Tp.HCM hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực, để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh. Do đó, du lịch y tế đang được ưu tiên phát triển để người dân và du khách có thể trải nghiệm dịch vụ tốt ngay tại sân nhà", ông Vĩnh Châu nói.

“Thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch y tế tại Thái Lan. Sở Du lịch và Sở Y tế cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ cơ sở y tế, doanh nghiệp du lịch hoàn thiện các gói sản phẩm du lịch y tế phù hợp với thị trường khách nội địa và quốc tế, đồng thời tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch y tế để thu hút khách du lịch tại một số thị trường du lịch”, ông Vĩnh Châu cho biết thêm.

Cẩm nang Du lịch Y tế Tp.HCM 2023. Ảnh: Tiền Phong

Trong năm 2023, các doanh nghiệp lữ hành tại Tp.HCM sẽ phối hợp với các đơn vị y tế xây dựng hơn 30 sản phẩm du lịch y tế. Du khách sử dụng sản phẩm này được chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện uy tín và chất lượng, được trải nghiệm dịch vụ cao cấp như nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các di tích, điểm đến nổi tiếng của Tp.HCM. Sở Du lịch cũng đặt hàng các bệnh viện, cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ đạt chuẩn… tiếp tục xây dựng, làm mới và giới thiệu những gói sản phẩm hấp dẫn, chất lượng nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Tp.HCM.

Từng bước chuyển đổi số, hướng đến du lịch thông minh


Theo báo Người Lao Động , không chỉ định hướng phát triển du lịch y tế, Tp.HCM còn kỳ vọng trở thành một điểm đến du lịch thông minh, hấp dẫn trong khu vực và thế giới. Để nâng chất lượng dịch vụ, tăng cường tiện ích và trải nghiệm cho du khách, nâng cao hiệu quả công tác quản lý về du lịch, UBND Tp.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn năm 2023.

Theo đó, Tp.HCM sẽ từng bước chuyển đổi số ngành du lịch, tăng cường xây dựng các hệ thống thông tin thông minh, cùng các giải pháp đồng bộ. Qua đó, doanh nghiệp du lịch và người dân sẽ được cung cấp môi trường phát triển ngày càng ưu việt; có thể sử dụng các dịch vụ du lịch; được cung cấp thông tin về các dịch vụ du lịch một cách minh bạch, thuận lợi, kịp thời.

Thành phố sẽ xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh trên địa bàn sử dụng nền tảng điện toán đám mây, các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực đủ mạnh để quản lý, vận hành.


Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt, cho rằng chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch nhằm mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. "Dù vậy, chuyển đổi số cũng đòi hỏi DN có chiến lược lâu dài vì nó sẽ tác động lên toàn bộ hoạt động từ tổ chức, nhân sự cho tới mô hình kinh doanh và cả tài chính", ông Duy nói.

Sở Du lịch Tp.HCM cho biết thời gian qua đã triển khai loạt giải pháp chuyển đổi số cho du lịch như vận hành ứng dụng phần mềm (app) du lịch thông minh: "Sở du lịch trực tuyến", "Công chức trực tuyến", "Hồ Chí Minh City tourism"; triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch nhằm tái hiện không gian một phần thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị một cách trực quan, sinh động. Đồng thời, cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử (Shopee, Traveloka)…

Thời gian tới, ngành du lịch Tp.HCM sẽ tiếp tục xây dựng Booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo; triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch; nâng cấp hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan thành công nghệ RFID; triển khai dự án xây dựng Trung tâm Điều hành du lịch thông minh - IOC…

Theo báo Lao Động, du lịch y tế của Tp.HCM đã phát triển từ năm 2017, tuy nhiên bị gián đoạn do dịch Covid-19. Năm 2023 được xem là thời điểm khởi động lại của dòng sản phẩm này với 3 tuyến chính: khám tổng quát, khám sức khỏe chuyên sâu và y học cổ truyền bên cạnh sản phẩm được ưa chuộng là khám nha khoa thẩm mỹ.

Chia sẻ Facebook