Tp.HCM đặt mục tiêu phát triển trung tâm y tế chuyên sâu phía Nam

Chia sẻ Facebook
18/06/2023 15:49:41

Thời gian qua, ngành y tế đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, lãnh đạo Tp.HCM chỉ ra các giải pháp để hướng tới phát triển trung tâm y tế chuyên sâu phía Nam .


Tp.HCM là trung tâm y tế hàng đầu

Tại Hội nghị Đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển y tế chuyên sâu tại Tp.HCM, do Sở Y tế Tp.HCM tổ chức ngày 17/6, các chuyên gia đầu ngành cho rằng, việc phát triển trung tâm y tế chuyên sâu, Tp.HCM sẽ hạn chế người dân đi nước ngoài khám chữa bệnh.

Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2022, chỉ số lượt bệnh nội trú ngoại trú của Thành phố này là 35,3 triệu người, chiếm 22,8% tổng số bệnh nhân của cả nước.

Tp.HCM có 22 bệnh viện là tuyến cuối tham gia hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến cho các tỉnh phía Nam, đồng thời là đầu mối quan trọng trong hợp tác giao lưu quốc tế về y tế.

Từ thực tế đó, thời gian qua, lãnh đạo Tp.HCM và ngành y tế đã và đang triển khai thực hiện các nội dung như: củng cố phát triển và nâng cao mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng bệnh lý nhóm bệnh không lây, triển khai trạm y tế theo nguyên lý học gia đình..,  tập trung củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động; kết hợp phát triển đông tây y; đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa, hướng đến phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu... để đáp ứng vai trò của trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu phía Nam.

"Nghị quyết Đại hội 11 Đảng bộ Tp.HCM và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố trong thời gian tới đã xác định ưu tiên xây dựng hệ thống y tế Thành phố tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới, hướng tới mục tiêu là Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN", Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Các nhóm giải pháp đưa ngành y tế Tp.HCM phát triển.


Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, ông Tăng Chí Thượng cho biết, thời gian qua, các cơ sở y tế được đầu tư , phát triển, là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật cho cả khu vực phía Nam, tương đương các cơ sở y tế tuyến trung ương ở Hà Nội, như các bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Từ Dũ, Chợ Rẫy, Nhiệt đới…

Tp.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vào tháng 4/1998 tại Bệnh viện Từ Dũ.

Những kỹ thuật phức tạp của thế giới đã được các bệnh viện thành phố áp dụng thành công. Ca ghép thận thành công đầu tiên của cả nước tiến hành tại Chợ Rẫy cách đây 30 năm. Nhiều kỹ thuật đi đầu, như phẫu thuật robot cắt ung thư thận tại Bệnh viện Bình Dân…


6 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện

Tp.HCM đã đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để phát triển y tế chuyên sâu khu vực phía Nam.


Thứ nhất , Tp.HCM tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở y tế theo quy hoạch, nhất là các bệnh viện chuyên sâu.


Thứ hai , đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng phục vụ theo hướng chuyên sâu.


Thứ ba , triển khai chiến lược dữ liệu của Thành phố, trong đó tập trung phát triển kết nối dữ liệu y tế hướng tới phát triển y tế thông minh.


Thứ tư , ban hành chính sách phát triển các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ vi sinh.


Thứ năm , hoàn thiện hệ mạng lưới liên kết vùng về y tế cả trong chẩn đoán, điều trị, trong đào tạo nguồn nhân lực và các cơ chế khác, nhất là cơ chế chuyên sâu.


Thứ sáu , nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý nhà nước về y tế để tạo ra khung pháp lý hành chính, nhằm phát triển trung tâm chăm sóc sức khỏe trình độ quốc tế theo hướng chuyên sâu.

Điều trị cho bệnh nhân bằng các kỹ thuật y tế hiện đại tại Tp.HCM.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đánh giá cao vai trò ngành y tế Tp.HCM thời gian qua, ông đã điểm lại những thành tựu y khoa nổi bật nhất của Tp.HCM.

Theo Thứ trưởng Thuấn, ngành y tế Tp.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chuyên môn kỹ thuật với việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới.

Tại Tp.HCM hiện có 9 đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế trên địa bàn.

Đây đều là các cơ sở y tế chất lượng cao, phát triển mạnh mẽ về chuyên môn kỹ thuật, có sự đầu tư lớn của Bộ Y tế và sự hợp tác rộng rãi của các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực và thế giới.

Nổi bật trong số đó là bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Đại học Y Dược, 2 cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu hàng đầu trong nước, là đầu tàu cho quá trình phát triển y tế chuyên sâu.

Thứ trưởng Thuấn cho biết thêm, việc phát triển y tế chuyên sâu của Tp.HCM sẽ giúp hạn chế việc người dân ra nước ngoài khám chữa bệnh, giữ lại một khoản chi phí đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để làm được điều này, Tp.HCM cần đầu tư xây dựng các bệnh viện hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị với định hướng tầm nhìn 10 năm, 20 năm, 30 năm và lâu hơn nữa…


Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, Bộ đang có định hướng phát triển 2 khu phức hợp ở phía Bắc tại Tp. Hà Nội và phía Nam tại Tp.HCM.

Vì thế, đề nghị UBND To.HCM có ý kiến giới thiệu vị trí đất phù hợp với diện tích khoảng 400 ha để xây dựng khu phức hợp y tế và khu sản xuất công nghiệp dược, trang thiết bị y tế.

Bệnh viện Bình Dân phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu hàng đầu trong khám chữa bệnh, ảnh BVCC.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, để sớm trở thành Trung tâm y tế khu vực ASEAN, ngành y tế có kiến nghị với các bộ, ngành như sau: Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế và Tp.HCM cần sớm đưa Luật Khám chữa bệnh QH15 đi vào cuộc sống.

Tp.HCM sớm ban hành chiến lược về phát triển du lịch y tế.


Thành phố này cần có cơ chế, chính sách thu hút các bệnh viện uy tín trên thế giới đến mở cơ sở tại Tp.HCM; có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển y tế chuyên sâu; có cơ chế, chính sách thu hút các trường đại học y khoa có uy tín trên thế giới phối hợp với các trường y khoa trong nước đào tạo bác sĩ theo chuẩn quốc tế.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao trong và ngoài nước tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe trên địa bàn; có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị và chất lượng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.


Nguyễn Lành

Chia sẻ Facebook