"Tp.HCM đang mặc một chiếc áo quá chật, cần nới ra để phát triển"
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, bản chất của các chính sách là cần nguồn lực, cần tự chủ và phân cấp phân quyền, làm sao giúp Tp.HCM phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm hơn.
Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM sau khi Nghị quyết 54 hết hiệu lực từ cuối 2022.
Tại tổ 12, các ý kiến đều chung ủng hộ ban hành chính sách mới, tạo động lực cho Tp.HCM phát triển. Bởi Tp.HCM đóng vai trò lớn đối với sự phát triển của cả nước, song đều cho rằng những năm gần đây, tăng trưởng của thành phố có dấu hiệu chững lại.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho rằng, danh mục cơ chế, chính sách đặc thù dù rất hay, nhưng có quá nhiều.
“Thời gian thực hiện cơ chế thí điểm là 5 năm, nếu có quá nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, từ tài chính, ngân sách, giao thông... thì có thể thực hiện được hết không? Ngay trong báo cáo của Chính phủ khi đánh giá thực hiện Nghị quyết 54, có không ít nội dung chưa thực hiện được, chưa làm hết”, đại biểu Phương bày tỏ lo ngại.
Thực tế, việc triển khai Nghị quyết 54 của Tp.HCM hay cả cơ chế, chính sách đặc thù của Cần Thơ, vừa được Quốc hội cho phép từ kỳ họp trước, nhưng hơn 1 năm qua, nhiều nội dung vẫn đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Đức Thắng, đoàn Quảng Trị chia sẻ khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 54 của đầu tàu kinh tế của cả nước, với 1 năm đầu khởi động, 2 năm dịch bệnh phức tạp.
“Gọi là 5 năm, nhưng thực tế nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 mới có thời gian thực hiện khoảng 2 năm, nên một số chính sách chưa đạt hiệu quả như mong muốn”, ông Thắng nói và yêu cầu cần làm rõ nguyên nhân chủ quan.
Đặc biệt, vị đại biểu cũng yêu cầu nhìn vào quyết tâm của Tp.HCM trong thời gian qua để đặt niềm tin cho giai đoạn tiếp theo của thành phố này. Từ đó, đại biểu Thắng đề nghị bổ sung nguyên tắc “chính sách mới phải đột phá, vượt trội, có tính thúc đẩy Tp.HCM đi sớm đi trước”.
Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) ủng hộ cần giải pháp khuyến khích, thúc đẩy Tp.HCM phát triển nhưng lưu ý thêm, trao cơ chế cần tăng cường giám sát, cho Tp.HCM chủ động nhưng phải giám sát được hoạt động của thành phố, tránh vượt quá tầm kiểm soát.
Trước các ý kiến của các đại biểu tại tổ 12 , Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng, cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp.HCM phải đảm bảo yêu cầu tạo điều kiện cho Thành phố có thể phát triển vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đủ đột phá, đủ mạnh. “Có như vậy mới xứng tầm là Nghị quyết của Quốc hội”, Bộ trưởng nói rõ.
Tuy nhiên, vì là cơ chế đặc thù, thí điểm nên có thời hạn, nên sẽ có những vấn đề khác, thậm chí vượt các quy định hiện hành, thậm chí chưa có ở đâu.
Bộ trưởng cho biết, đã cùng với Tp.HCM, thảo luận nhiều với các chuyên gia, nhà khoa học, cố gắng đưa ra các chính sách đáp ứng yêu cầu của Thành phố.
44 chính sách đề cập trong dự thảo nghị quyết, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tập trung vào các trụ cột chính là tạo nguồn lực cho Tp.HCM, phân cấp, phân quyền tạo chủ động cho thành phố và quy định một số thủ tục rút gọn trong thực hiện các chính sách.
Theo Bộ trưởng, các cơ chế, chính sách cần tạo nguồn lực lớn hơn cho Tp.HCM. “Hiện nhu cầu của thành phố rất lớn, ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng y tế, xã hội và nhu cầu lớn về đường sắt đô thị chưa thể giải quyết. Tp.HCM đang mặc một chiếc áo quá chật, cần nới ra để Thành phố phát triển", Bộ trưởng nói.
Ông nhấn mạnh cơ chế thí điểm có thời hạn cần khác quy định hiện hành, song với nhóm 27 chính sách mới chưa được quy định trong các văn bản khác hay Nghị quyết 54, cần nghiên cứu kỹ hơn.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng những chính sách được trình nhiều quá nhưng chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đủ mạnh và đột phá.
“Chúng tôi cũng đang tiếp tục suy nghĩ có thể các chính sách đó chưa đủ, chưa hết, có cần đặt ra có chính sách gì mới hơn, mạnh hơn không. Có ý kiến rất đáng suy nghĩ là, nếu cần nguồn lực để phát triển, thì có thể cơ chế vay ODA, tập trung đầu tư lớn cho các dự án trước sau cũng phải làm, quy mô có thể tới 10-20 tỷ USD làm các công trình lớn trọng điểm, có quản lý, có giám sát để tạo cú hích cho cả Thành phố và cả nước và có thể trả nợ được”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Trước đó, trong phiên làm việc ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét 7 nhóm cơ chế, chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; 4 nhóm cơ chế, chính sách đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; 6 cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến và 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, được xác định có tác động lan tỏa.
Theo dự kiến, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM vào ngày 8/6/2023 .