Tp.HCM: Cục QLTT chuyển cơ quan tố tụng xem xét khởi tố 21 vụ án
Trong năm 2023, Cục QLTT Tp.HCM đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự là 21 vụ, ước tính trị giá hàng hóa vi phạm là khoảng 54,3 tỷ đồng.
Chuyển cơ quan tiến hành tố tụng, xem xét khởi tố 21 vụ án
Ngày 1/1/2024, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Tp.HCM cho biết, Cục đã triển khai nhiều kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác QLTT, tập trung vào công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, tập trung kiểm tra tại các khu vực địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
Theo Cục QLTT Tp.HCM, trong năm 2023 các Đội QLTT đã kiểm tra 5.091 vụ liên quan đến hành vi kinh doanh hàng lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm an toàn thực phẩm; hoạt động thương mại điện tử; hoạt động kinh doanh xăng dầu (tăng 1.507 vụ, tăng 42,05% so với cùng kỳ năm trước); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính là 4.548 vụ.
Tổng số tiền thu đã thu nộp ngân sách là 96.795.949.000 đồng (tăng 66,80% so với cùng kỳ năm trước) gồm: 83.363.506.000 đồng tiền phạt hành chính, 11.322.082.000 đồng tiền bán hàng tịch thu và 2.110.360.000 tiền truy thu số lợi bất hợp pháp.
Đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông có trị giá là 54.826.114.000 đồng và trị giá hàng tịch thu chờ bán là khoảng 116 tỷ đồng.
Số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn, chưa nộp tiền phạt là 82 Quyết định với tổng số tiền là 1.849.000.000 đồng.
Tình hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái tiếp tục gia tăng vì lợi nhuận cao
Qua công tác kiểm tra, xử lý của Cục QLTT Tp.HCM cho thấy tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu giảm, thể hiện rõ ở số lượng trường hợp vi phạm đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình như: hành vi kinh doanh hàng lậu là 1.063 trường hợp vi phạm (tăng 3,4%); kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là 1.593 trường hợp vi phạm (tăng 105,81%); kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 1.302 trường hợp vi phạm (tăng 101,23%).
Qua công tác giám sát, nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và được bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm, trung tâm thương mại trong các tháng cuối năm sẽ hoạt động sôi nổi, mạnh hơn nên cần phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa thực hiện các biện pháp nghiêp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, nổi cộm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và tại các kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa.
Dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh, các hoạt động lễ hội cũng diễn ra nhiều vào tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh với lợi thế giá rẻ, đa dạng chủng loại, hình thức sẽ đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ là những hậu quả về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa không đảm bảo.
Mặc dù, Cục QLTT Tp.HCM đã không ngừng chỉ đạo các Đội QLTT tập trung tăng cường kiểm tra tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại và đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, tạm giữ số lượng lớn hàng hóa nhưng tình hình kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vẫn không có dấu hiệu suy giảm, số lượng nhãn hiệu bị làm giả cũng ngày càng đa dạng, nhiều thương hiệu, gây khó khăn trong công tác xác định hàng hóa thật giả cho lực lượng QLTT Thành phố này.
Đối với công tác phối hợp với các đơn vị đại diện của các nhãn hiệu cũng gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, có những nhãn hiệu được bảo hộ nhưng không nổi tiếng, khi bắt giữ lực lượng QLTT Tp.HCM khó khăn trong việc liên hệ các đơn vị đại diện nhãn hiệu để xác định thật – giả.
Thứ hai, kết quả giám định của một số đơn vị đại diện nhãn hiệu còn chậm, không đảm bảo được thời gian để xử lý hồ sơ theo quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính và Pháp lệnh QLTT.
Ngoài ra, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… hoạt động trên nền tảng di động trong tình hình hiện nay rất phức tạp.
Việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó để xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý; giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy, với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.
Địa bàn Thành phố này với yếu tố dân số đông, địa bàn rộng, các hoạt động chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng được các đối tượng chuyển vào các căn nhà trong hẻm sâu, nhiều ngách hoặc trong các chung cư cao cấp khó phát hiện gây nhiều khó khăn cho lực lượng QLTT Thành phố trong việc phát hiện, kiểm tra và xử lý.
Nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, do việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đem lại lợi nhuận lớn, dẫn đến nhiều trường hợp tiếp tục tái phạm.