Tp.HCM: Cô gái trẻ ho ra máu, xẹp phổi vì sở thích này của người trẻ

Chia sẻ Facebook
21/01/2024 05:02:52

Vừa qua, bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Tp. HCM đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp người bệnh trẻ tuổi vào viện vì viêm phổi. Trong đó, một số người là nạn nhân của thuốc lá điện tử.

Cụ thể, trường hợp một bệnh nhân nữ 22 tuổi, vào viện vì ho đờm lẫn máu đỏ tươi kèm theo sốt về chiều, sụt cân và khó thở khi gắng sức.

Bệnh nhân cho biết bị xẹp phổi trái và lao phổi cũ, đồng thời gần đây sử dụng thuốc lá điện tử do bạn bè lôi kéo, vì cho rằng thuốc lá điện tử ít nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống.

Tại bệnh viện, người bệnh được các bác sĩ thăm khám, sau đó được làm các xét nghiệm. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng, nguyên nhân ban đầu nghĩ đến là do hút thuốc lá điện tử.

Sau một thời gian điều trị tích cực, áp dụng phác đồ điều trị phù hợp, các triệu chứng và tổn thương phổi của bệnh nhân trên phim được cải thiện rõ rệt. Người bệnh ra viện và được bác sĩ hướng dẫn theo dõi tại nhà đồng thời nhắc nhở tái khám đúng hẹn.

Bác sĩ chuyên khoa hô hấp cho biết, tình trạng của người bệnh diễn biến khá phức tạp. Người bệnh còn rất trẻ nhưng tổn thương ở phổi lại rất nặng nề, không khác gì ở người cao tuổi. Đồng thời bác sĩ đã phải áp dụng những biện pháp điều trị nhằm bảo tồn tối đa chức năng phổi của người bệnh.

Chuyên gia cảnh báo hiện nay trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ rất nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Thông tin về những tác động của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khoẻ, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên (Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, thuốc lá thông thường hàm lượng nicotin 1,5-2%, cao nhất 3% (dành cho người nghiện nặng, hút 2 bao/ngày), trong khi thuốc lá điện tử hiện nay (thế hệ 4) hàm lượng nicotin rất lớn dạng bột tinh thể, ít kích ứng đường hô hấp nên hút nhiều hơn.

Theo một nghiên cứu trên thế giới vào năm 2018, ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine.

Ngoài ra, các loại thuốc lá điện tử chứa rất nhiều loại hóa chất, đều các hóa chất nhân tạo tổng hợp với số lượng khổng lồ, thay đổi các hóa chất liên tục. Điều này làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết. Bên cạnh đó, nó còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

TS Nguyên cho hay, thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử lan rộng nhanh chóng, nhiều bệnh nhân trẻ ngộ độc cấp sau dùng thuốc lá điện tử đã phải nhập viện. Tính từ tháng 1/2022 - tháng 10/2023, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận hơn 120 ca bệnh nhân nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó 87% là nam giới, 30% là giới trẻ.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo hiện nay trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ rất nguy hiểm. Những bệnh nhân trẻ vào viện vì sử dụng thuốc lá điện tử đều phải làm tất cả xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng, đánh giá chức năng các cơ quan và xét nghiệm độc chất.

Thông qua đó, các bác sĩ phát hiện các loại hóa chất có trong các loại thuốc lá điện tử và thay đổi thường xuyên, từ đó sinh ra hàng loạt bệnh, tình trạng ngộ độ mới. Thậm chí, nhiều chất y học chưa được biết đến, và kết quả xét nghiệm một số trường hợp ngộ độc còn cho thấy phát hiện các chất ma túy với thành phần gồm: ADB-Butinaca, MDMD-butinaca; ADB-4en-pinaca; MDMB-4e-pinaca; EDMB-4e-pinaca; THC; PB-22.


Thế Hào (T/h theo Sức Khỏe& Đời Sống, Báo Pháp Luật)

Chia sẻ Facebook