TP.HCM: ‘Cò’ bệnh viện, trộm cắp diễn ra dai dẳng tại các cơ sở y tế

Chia sẻ Facebook
17/12/2022 18:37:26

Trong năm 2022, các cơ sở y tế trực thuộc sở y tế TP.HCM ghi nhận 240 vụ trộm cắp, 84 vụ gây mất ANTT, 15 vụ hành hung nhân viên y tế…

Ghi nhận 240 vụ trộm cắp, lừa đảo, móc túi, 84 vụ gây mất an ninh trật tự, trong đó, 15 vụ hành hung nhân viên y tế trong năm 2022, tình hình an ninh tại các cơ sở y tế ở TP.HCM được đánh giá là đáng lo ngại.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Bệnh viện TP. Thủ Đức, ngày 28/6. (Ảnh: benhvienthuduc.vn).

Sáng 16/12, Công an TP.HCM phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế ở TP.HCM.

Tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Anh Dũng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết TP.HCM có hệ thống y tế lớn nhất cả nước. Do đó, an ninh trật tự trong ngành là vấn đề lớn cần quan tâm.

Trong năm 2022, các cơ sở y tế trực thuộc sở ghi nhận 240 vụ trộm cắp, lừa đảo, móc túi; 84 vụ gây mất an ninh trật tự, trong đó có 15 trường hợp hành hung nhân viên y tế; 167 vụ việc được chuyển về công an địa phương xử lý. 15 vụ việc giả mạo giấy phép hành nghề, chứng chỉ hành nghề bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM chuyển sang cơ quan công an.

Hàng loạt vấn đề đáng lo ngại về an ninh trật tự được đại diện Sở Y tế TP chỉ ra, như “cò” bệnh viện lôi kéo, dẫn dụ người bệnh để đưa đến các cơ sở tư nhân trá hình; vấn nạn hành hung nhân viên y tế, đập phá tại bệnh viện; nạn giả danh cơ sở khám chữa bệnh, hoạt động không phép.

Theo TS.BS Dũng, có những cơ sở khám chữa bệnh sử dụng bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề, dùng thủ đoạn “vẽ bệnh”. Có những cơ sở chỉ được cấp phép làm đẹp, không có giấy phép hành nghề y tế nhưng lại thực hiện dịch vụ kỹ thuật của y tế; đào tạo kỹ thuật thẩm mỹ mà không khai báo cơ quan chức năng, khi bị xử lý thì sang tên đổi chủ; một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có yếu tố nước ngoài không tuân thủ pháp luật, trục lợi trên sức khỏe của người bệnh…

Đáng lưu ý, có những người nắm được thông tin của người vi phạm rồi giả mạo nhân viên y tế, Thanh tra Sở Y tế, liên hệ, hù dọa để tống tiền, hứa sẽ giảm nhẹ hình phạt.

TS.BS Dũng lo lắng khi thông tin của người bệnh được công khai trên mạng internet, nếu quy trình không chặt chẽ thì đây là “miếng mồi thơm” cho kẻ xấu.

Tình trạng “cò” bệnh viện được nhiều bệnh viện đề cập tới. BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết lực lượng “cò” thường hoạt động theo nhóm. Nhóm “cò” xe cứu thương trà trộn, tiếp cận thân nhân người bệnh để phát danh thiếp, tờ rơi để lôi kéo người bệnh và thân nhân đặt xe. Nhiều vụ việc chèn ép người bệnh đã xảy ra ngay trong khuôn viên bệnh viện, đe dọa, chống đối bảo vệ bệnh viện.

BS Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hiện ngoài “cò” xe cứu thương còn có “cò” bốc số thứ tự khám bệnh và “cò” dắt bệnh. Để khắc phục, bệnh viện này hiện dùng ứng dụng công nghệ thông tin để phát số thứ tự khám bệnh và ngăn chặn xe cứu thương hoạt động “chui” vào bệnh viện.

Trước thực trạng trên, ngành y tế TP đề xuất  tiếp tục phối hợp với Công an TP trong đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở y tế. Các bệnh viện cần trao đổi thông tin thường xuyên với công an địa phương; tăng cường hệ thống camera an ninh, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến cuối.

Ngoài ra, cần phải giảm tải ở khoa cấp cứu – điểm nóng của các bệnh viện lớn, tăng cường lực lượng bảo vệ tại các bệnh viện, tập huấn kỹ năng cho nhân viên y tế xử lý khi xảy ra tình huống xấu. Ngành y tế cũng tăng cường các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh của người dân từ ứng dụng trên điện thoại, đường dây nóng về phòng khám “vẽ bệnh”…

Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị các cấp cao hơn xem xét bổ sung điều khoản của luật nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế.

Từng xảy ra 2 vụ giết người, 6 vụ cố ý gây thương tích tại bệnh viện

Tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TP.HCM cho biết từ năm 2017 đến nay, Công an TP.HCM ghi nhận 314 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại các cơ sở y tế, trong đó có 2 vụ giết người, 6 vụ cố ý gây thương tích, 244 vụ gây rối trật tự công cộng, 13 vụ cò mồi, môi giới dịch vụ khám, chữa bệnh gây rối trật tự công cộng tại bệnh viện; 59 vụ trộm cắp tài sản…

Ông Nam cho rằng các cơ sở y tế ở TP.HCM thời gian qua đã và đang là điều kiện nảy sinh những hoạt động phức tạp, gây mất an ninh trật tự như trộm cắp, bắt cóc trẻ em, bảo kê, “cò” khám chữa bệnh, cạnh tranh dịch vụ người nuôi bệnh, xe cứu thương chở bệnh… Các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, do lượng bệnh nhân từ các tỉnh thành đổ về TP.HCM để khám chữa bệnh tăng nên tình trạng quá tải, chất lượng khám chữa bệnh không đảm bảo ở các cơ sở y tế. Một bộ phận người dân bức xúc, thiếu kiềm chế đã hành hung cán bộ, nhân viên y tế, đập phá tài sản bệnh viện.


Khánh Vy

Bệnh viện công: Giá giường dịch vụ có thể lên đến 3 triệu đồng/ngày Từ đầu năm 2023, các bệnh viện công hạng đặc biệt có thể thu tiền giường nằm 3 triệu đồng một ngày.

Chia sẻ Facebook