TP.HCM có 82 trường hợp sốt xuất huyết nặng, tâm dịch thiếu thuốc điều trị
TP.HCM có 626 trường hợp sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú với 82 trường hợp nặng, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị.
Cụ thể tại BV Nhi Đồng 2 hiện có 74 bệnh nhi, trong đó có 8 trường hợp SXH nặng. Tại BV Nhi Đồng TP có 89 bệnh nhi, 21 trường hợp bệnh nặng, bao gồm 3 ca đang thở máy. Tại BV Nhi Đồng 1 có 90 bệnh nhi bị SXH-D, 8 ca nặng trong đó có 2 ca đang thở máy.
Tại BV Bệnh nhiệt đới hiện đang điều trị cho 373 trường hợp SXH-D (264 người lớn & 109 trẻ em), chiếm 56% các trường hợp đang điều trị nội trú của BV; có 45 trường hợp SXH-D nặng, trong đó 3 ca thở máy và 1 ca lọc máu.
Theo số liệu báo cáo của HCDC, trong tuần vừa rồi thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận có 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 1182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước (1.575 ca), số ca nội trú tăng 25,9% và ngoại trú tăng 57,1%. Số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 16.057 ca, tăng 117,3%.
Số ca sốt xuất huyết nặng tích luỹ đến tuần 24 là 274 ca, như vậy tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến là 1,7%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 (là 0,4%). Trong tuần ghi nhận 01 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Tổng số ca sốt xuất huyết tử vong là 09 ca (02 ca ở Bình Chánh, 03 ca Củ Chi, 01 ở Bình Tân, 01 ca quận 11, 01 ca Hóc Môn và 01 ca Thủ Đức), tăng 07 ca so với cùng kỳ năm 2021 (2 ca).
Trong khi đó, tại buổi tập huấn về công tác phòng chống Sốt xuất huyết tại Bộ Y tế, BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ CHí Minh, cho biết đơn vị đang thiếu dịch truyền Dextran do nhà cung cấp không còn, phải chờ thêm 6 tháng; còn thuốc dự trù từ năm 2021 đã hết hạn, phải hủy bỏ.
Để điều trị cho bệnh nhân đang tăng từng ngày, bệnh viện phải thay thế Dextran bằng dung dịch cao phân tử khác là HES 130.000 kết hợp albumin.
Tuy nhiên, đây chỉ là phương án "chữa cháy" trong tình huống khẩn cấp bởi dung dịch albumin có giá cao, không thuộc danh mục được bảo hiểm y tế chi trả, nên người dân phải tự thanh toán.
Dược sĩ Lê Phước Thành Nhân, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thông tin nơi này không đấu thầu được thuốc hai năm nay, còn thị trường cả nước đã hết hàng.
Vừa qua, bệnh viện đã liên hệ được với một công ty nhưng đến tháng 7 mới có sản phẩm cung cấp. Trong thời gian chờ đợi thuốc Dextran, các bác sĩ sử dụng cao phân tử HES 130.000 hoặc truyền tiểu cầu.
Dịch truyền cao phân tử là một trong số thuốc điều trị sốc sốt xuất huyết quan trọng được phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Theo đó, các dung dịch cao phân tử được áp dụng để điều trị sốc sốt xuất huyết gồm Dextran 40, Dextran 70 và HES 200.000 dalton.
Tuy nhiên, trước thực tế thiếu các dung dịch trên, các chuyên gia đề xuất sử dụng HES 130.000 daltol 6% hoặc Gelatin succninylated 4% thay thế.
Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết đã nhận được công văn của một số bệnh viện và các sở y tế báo cáo khó khăn trong cung ứng dịch truyền cao phân tử trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.
Tuy nhiên, dịch truyền HES 200.000 daltol đã ngừng sản xuất trên thế giới. Trong khi đó, dịch truyền Dextran chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Năm 2020, Cục Quản lý dược đã làm việc và cấp phép khẩn nhập khẩu thuốc Dextran 40 (cơ sở sản xuất: Thai Otsuka Pharmaceutical Co.,Ltd) với số lượng 50.000 túi cho Công ty cổ phần dược phẩm trung ương CPC1, để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.
Công ty nhập khẩu nhập về Việt Nam là 9.000 túi nhưng rất nhiều cơ sở khám, chữa bệnh dự trù thuốc với số lượng ký hợp đồng và số lượng đặt hàng thấp hơn nhiều. Thậm chí, không lấy hàng theo kế hoạch dẫn đến công ty còn tồn kho gần 3.500 túi đã hết hạn và chờ thiêu hủy.
Theo Cục quản lý Dược, Dextran 40 không phải là mặt hàng sẵn có. Công ty nhập khẩu cũng phải đặt trước 3 - 4 tháng mới có thể có hàng. Trong khi đó, bệnh viện gửi dự trù, đấu thầu mua sắm phải mất 5 tháng.
Hiện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã hướng dẫn thay thế Dextran bằng dịch HES 130.000 dalton trong điều trị; đề nghị các bệnh viện tiếp nhận thuốc cận hạn, hạn dưới ba tháng; dự trù mua sắm, ký hợp đồng từ 6 tháng trước khi bắt đầu thời điểm dịch bệnh để có nguồn hàng cung ứng kịp thời.