TPHCM chuyển mục đích sử dụng hàng ngàn ha đất trồng lúa làm dự án bất động sản
Hàng loạt dự án ở TPHCM sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án như chung cư cao tầng LuxStar, dự án nhà ở xã hội phường Long Phước, khu căn hộ Điền Phúc Thành, khu dân cư An Hưng, khu nhà ở Thới An Luxury City…
TPHCM chuyển mục đích sử dụng hàng ngàn ha đất trồng lúa làm dự án bất động sản
Ngày 29/9, Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, đã có tờ trình gửi UBND TPHCM để trình HĐND TPHCM thông qua danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án trên địa bàn.
Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường đã đề xuất cho 18 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha (với tổng diện tích 31,74 ha) và 3 dự án có chuyển mục đích đất trồng lúa trên 10 ha (tổng diện tích 170,11 ha). Trong đó, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án nhà ở khoảng gần 30ha.
Tại quận 7, dự án chung cư cao tầng LuxStar (phường Phú Thuận) của Công ty CP Đầu tư Đất Viễn Đông cần chuyển mục đích 0,86 ha đất trồng lúa. Dự án khu chung cư cao tầng (tại phường Phú Thuận) của Công ty CP Bất động sản Sông Hồng Land House cần chuyển mục đích 1,77 ha diện tích đất trồng lúa để thực hiện dự án.
Ở TP.Thủ Đức có hàng loạt dự án được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội (phường Long Phước) của Công ty CP phát triển Thành Phố Xanh cần chuyển mục đích 8,08 ha diện tích đất trồng lúa. Dự án xây dựng khu căn hộ Điền Phúc Thành (phường An Khánh) có 0,07 ha đất trồng lúa cần chuyển mục đích. Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ và văn phòng tại (phường Trường Thọ) của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Bất động sản Đất Phương Nam cần chuyển 0,39 ha.
Tại huyện Nhà Bè, khu dân cư An Hưng (xã Nhơn Đức) của Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ An Hưng cần chuyển 8,05 ha đất trồng lúa. Khu chung cư cao tầng và thương mại dịch vụ văn phòng (xã Phước Kiển) của Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Nam Phú cần chuyển 0,93 ha.
Tại huyện Hóc Môn, dự án khu dân cư (xã Thới Tam Thôn) của Công ty CP STC Corporation cần chuyển mục đích 2,38 ha diện tích đất trồng lúa. Tại quận 12 có dự án khu nhà ở Thới An Luxury City của Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Phát triển nhà Sang Anh cần chuyển mục đích 6,94 ha diện tích đất trồng lúa.
Ngoài ra, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình cá nhân trên địa bàn khoảng 1.067,68 ha. Trong đó, quận 7 (4,6 ha), quận 12 (16,94 ha), quận Bình Tân (13,79 ha), huyện Nhà Bè (16,51 ha), huyện Hóc Môn (334,28 ha), huyện Cần Giờ (141,88 ha), huyện Củ Chi (336,54 ha), huyện Bình Chánh (193,14 ha) và TP.Thủ Đức (69,87 ha).
Theo Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, hiện nay tổng diện tích đất nông nghiệp năm 2020 là 111.875 ha, giai đoạn 2015-2020 diện tích đất nông nghiệp giảm 3.623 ha, trung bình giảm 725 ha/năm. Nguyên nhân, quá trình đô thị hóa đất nông nghiệp chủ yếu chuyển sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và đất ở.
Trong đó diện tích đất trồng lúa năm 2020 là 15.586 ha, giảm 3.089 ha so với 2015 (đất chuyên trồng lúa giảm 1.468 ha). Như vậy, chỉ tiêu đất trồng lúa còn lại để chuyển mục đích sử dụng là 10.172 ha.
Dù quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần phát triển ổn định thị trường bất động sản, khai thác tốt hơn nguồn lực đất đai, làm cho việc sử dụng đất đai ngày càng tiết kiệm và đạt hiệu quả cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên hiện nay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án kéo dài đến nay vẫn chưa kết thúc, dẫn đến tiến độ dự án chậm, vốn đầu tư tăng; các dự án có sử dụng vốn ngân sách để bồi thường, đầu tư xây dựng được bố trí vốn chậm, hạn chế.
Góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đề xuất Trung ương phân cấp cho HĐND TPHCM được quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa. Rút ngắn thời gian thông báo đối với đất nông nghiệp từ 3 tháng xuống còn 1 tháng, đất ở từ 6 tháng xuống còn 3 tháng; phân cấp việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ cho UBND cấp huyện thực hiện... Về xác định giá đất, theo ông Thắng, cần hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất cụ thể. Theo đó, quy định rõ ràng việc xác định giá đất theo từng phương pháp; bỏ cơ chế khung giá đất; trên cơ sở kết quả tư vấn, thẩm định giá đất, các địa phương ban hành bảng giá đất để sử dụng vào mục đích thu thuế, phí. |
Duy Quang
Tiền phong