TP.HCM cần làm gì để trở thành lực kéo cho cả nước?
TP.HCM đang tăng trưởng chậm lại. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng TP.HCM nên định hình lại cơ hội phát triển, trong đó cần mạnh dạn đề xuất cơ chế đặc thù, vượt trội, cạnh tranh với quốc tế.
Sáng 12-7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện nghị quyết 53 và kết luận số 17 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại UBND TP.HCM.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng chậm lại
Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM - đánh giá những năm gần đây , tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Giai đoạn 2016 - 2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tăng trưởng 5,6%, vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 5,5%, trong khi cả nước tăng 5,9%. Sự phối hợp, phát triển vùng dựa trên khai thác những tiềm năng và lợi thế của từng địa phương còn nhiều bất cập.
TP đã đưa ra nhiều đề xuất để thúc đẩy liên kết vùng. Đó là m ở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng; nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.
Song song với đó, ưu tiên nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm; phát triển hệ thống logistics...
Đưa ý kiến tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng phải xác định đến năm 2045, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải đạt mục tiêu cao hơn mục tiêu cả nước đề ra. Trước hết đây phải là đầu tàu thật mạnh, vừa đóng góp vừa làm lực kéo cho cả nước.
Ông Mãi cho rằng sau khi xác định mục tiêu thì công tác lập quy hoạch vùng cũng cần khẩn trương thực hiện. Các địa phương phải thống nhất vai trò, sứ mệnh của mình. Trong đó, vai trò của hội đồng vùng để liên kết các vùng là rất quan trọng.
Mạnh dạn đề xuất các cơ chế phát triển
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư - cho rằng TP.HCM cùng vùng Đông Nam Bộ phải định hình lại cơ hội phát triển. Ông cho rằng, vùng này không nên chỉ so sánh trong nước, mà phải so sánh với quốc tế mới xứng tầm, t ừ đó đề xuất những cơ chế để phát triển.
"TP và vùng Đông Nam Bộ này phải có những cơ chế chính sách mới. Những cơ chế này phải đặc thù, vượt trội, cạnh tranh với quốc tế. Trước hết TP.HCM cần gì thì nghiên cứu để kiến nghị", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị TP rà soát để tìm ra nguyên nhân tăng trưởng của TP.HCM đang chậm lại cũng như các mặt hạn chế đã thấy.
Ông dẫn lại quan điểm của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng "TP không phải chỉ dừng lại ở tăng trưởng 7 - 8%, mà nếu thay đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế, có tầm nhìn mới, tổ chức thực hiện cho tốt thì có thể TP.HCM tăng trưởng đến hai con số. Tăng trưởng này không chỉ ở vài ba năm, mà có thể kéo dài hàng chục năm".
Sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn trước là cảng hàng không lớn nhất của khu vực, nhưng sau đó lại bị sân bay ở Bangkok vượt mặt. Hiện các cấp đang cố gắng giành lại vị thứ này khi đầu tư xây dựng sân bay Long Thành cũng như nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
"Nếu chúng ta có trung tâm tài chính, hàng không, giải trí, kết nối liên vùng, phát triển đô thị thông minh, bền vững... thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng của chúng ta sẽ lớn hơn rất nhiều", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng TP.HCM cùng với vùng Đông Nam Bộ nên mạnh dạn đề xuất những cơ chế chính sách mới để phát triển.
Mỗi năm TP thiệt hại 6 tỉ đôla vì ùn tắc giao thông
Tại hội nghị, ông Phan Công Bằng - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết các chỉ số về giao thông của TP.HCM hầu như chiếm 25 - 30% của cả nước. Ví dụ như cảng biển chiếm khoảng 26% sản lượng hàng hóa cả nước, giấy phép lái xe khoảng 25% cả nước, sân bay 25% cả nước, đăng ký phương tiện khoảng 26% cả nước.
Hệ thống giao thông TP đang gặp áp lực rất lớn. Ùn tắc giao thông khiến mỗi năm thiệt hại khoảng 6 tỉ đôla. Hiện nay, TP có kế hoạch liên kết vùng với các địa phương về lĩnh vực giao thông để thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ.
Theo chủ tịch UBND TP.HCM, TP đang triển khai tổ chức giao thông công cộng. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có cách tổ chức lại tuyến đường sắt đô thị. "Bây giờ làm metro theo từng tuyến, rời rạc như thế này thì đến năm 2045 cũng chưa xong, mà khi xong vẫn chưa phát huy được", ông Mãi nói.
Ông Mãi cho rằng phải định hướng phát triển giao thông liên kết vùng, tập trung cho mạng lưới đường sắt, đường thủy.
Nếu tình hình tắc nghẽn giao thông ở TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không được cải thiện, TP.HCM sẽ thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, thậm chí khu vực Đông Nam Á.