Tp.HCM: Cần đối thoại để giải quyết tranh chấp lao động theo pháp luật

Chia sẻ Facebook
11/05/2022 22:57:04

Để giải quyết tình hình tranh chấp lao động, các bên liên quan cần vận dụng quy định để tìm ra giải pháp hài hoà lợi ích, đúng pháp luật.


Phát huy vai trò công đoàn hơn nữa


Trao đổi với Người Đưa Tin , ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.HCM cho biết, trong năm 2021, mặc dù Tp.HCM có 4 tháng giãn cách do dịch Covid-19 nhưng đã có 7 vụ ngừng việc tập thể và đình công với 3.696 người tham gia, trong đó doanh nghiệp FDI có 4 vụ, doanh nghiệp ngoài nhà nước có 3 vụ.

Tính đến cuối năm 2021, Liên đoàn Lao động Tp.HCM quản lý 19.888 công đoàn cơ sở với hơn 1,3 triệu đoàn viên. Những địa bàn có công nhân ngừng việc tập thể gồm huyện Củ Chi (2 vụ), Tp.Thủ Đức (1 vụ), quận Bình Tân (2 vụ), huyện Bình Chánh (1 vụ), quận Tân Bình (1 vụ).

Theo ông Tâm, nguyên nhân các cuộc đình công này đa số liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động chưa được đảm bảo như: thưởng Tết; thanh toán tiền lương còn nợ không đúng thời gian quy định; không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương thưởng cuối năm...

”Năm 2021 do dịch bệnh nên số lượng các cuộc ngừng việc tập thể có giảm; song vẫn còn nhiều diễn biến khó lường trong năm 2022. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó sau dịch, bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, chủ bỏ trốn hoặc công ty giải thể, phá sản... ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động; tình hình vi phạm pháp luật lao động, nợ BHXH của các doanh nghiệp vẫn còn xảy ra với số lượng không nhỏ…”, ông Tâm nhìn nhận.

Do đó, lãnh đạo Liên đoàn Lao động Tp.HCM đề nghị công đoàn tại các cơ sở, doanh nghiệp phải nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tâm tư tình cảm, nguyện vọng, môi trường việc làm, tiền lương và tiền thưởng của người lao động, qua đó hóa giải những mâu thuẫn mới phát sinh.

“Công đoàn phải đứng ra làm cầu nối để đối thoại, thương lượng, giải quyết trên cơ sở công bằng lợi ích của hai bên, không ép doanh nghiệp và không để người lao động phải chịu thiệt thì sẽ hạn chế được những tranh chấp lao động”, ông Tâm nói.

Trong đó, đặt quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của người lao động.

Hơn 500 công nhân Công ty TNHH DaeYun Việt Nam tại KCX Linh Trung I, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM ngừng việc để yêu cầu tăng lương hồi tháng 2/2022.

Các cấp công đoàn cũng cần phải tăng cường chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc theo quy định của pháp luật.

Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, các cấp công đoàn cần kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất.


Xu hướng mở rộng đối tượng đình công

Luật sư Lê Trọng Thêm, Đoàn Luật sư Tp.HCM đánh giá, hiện nay, xu hướng đình công chủ yếu diễn ra ở nhóm “người lao động tham gia sản xuất trong nhà máy”. Tuy nhiên, trong những năm tới vấn đề đình công có thể sẽ mở rộng sang cả nhóm “người lao động làm việc tái khối thương mại dịch vụ”.

Theo luật sư Lê Trọng Thêm, xu hướng này xuất phát từ nhiều lý do. Thứ nhất là sự thay đổi của chính sách pháp luật khi cho phép có nhiều hơn 1 tổ chức đại diện tập thể người lao động được phép lãnh đạo và tổ chức cuộc đình công. Thứ hai, xu hướng 4.0 với mạng xã hội đang kết nối các cá nhân riêng lẻ dễ dàng hơn. Thứ ba, độ tuổi người lao động Gen Z với tư tưởng mới đang dần tham gia thị trường lao động. Và cuối cùng, áp lực từ cuộc sống hiện đại đang làm con người ta có xu hướng chọn việc phản kháng, đối đầu.


“Theo thống kê đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa tồn tại 1 cuộc đình công hợp pháp nào, chủ yếu là tự phát và không có tổ chức công đoàn lãnh đạo. Điều này đến từ các đòi hỏi về trình tự thủ tục để đình công hiện nay tương đối phức tạp”, luật sư Thêm đánh giá.

Cụ thể, quy định pháp luật yêu cầu đình công phải xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; phải qua hòa giải lao động; phải lấy ý kiến của toàn thể người lao động, phải gửi quyết định công trước 5 ngày cho UBND cấp huyện, Sở LĐ,TB&XH….


Nếu tập thể người lao động đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của luật, và cuộc đình công là hợp pháp thì doanh nghiệp có thể thực hiện ngay một số hành động. Đó là ra quyết định đóng cửa tạm thời nơi làm việc để bảo đảm an ninh trật tự, tài sản.

Đồng thời, gửi thông báo đến cơ quan nhà nước để yêu cầu tạm hoãn hoặc ngừng đình công nếu có cơ sở. Biện pháp nữa là thuê mướn đơn vị làm dịch vụ bảo vệ để gia tăng lực lượng bảo vệ an ninh tại nơi làm việc và thông báo công an địa phương để giữ gìn trật tự.

Luật sư Thêm phân tích: “Trong trường hợp cuộc đình công có dấu hiệu vi phạm trình tự, thủ tục thì doanh nghiệp có thể làm các hành động này kèm theo việc thông báo với Chủ tịch UBND cấp huyện để chủ trì, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động phối hợp với liên đoàn lao động cấp huyện và các cơ quan khác để gặp gỡ người lao động và đại diện ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tổ chức nghe ý kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường”.

Hầu hết đơn khiếu nại, tố cáo về quan hệ lao động là đúng

Thống kê của Thanh tra Sở LĐ,TB&XH Tp.HCM cho biết, trong năm 2021, phía Thanh tra Sở tiếp nhận, xử lý và giải quyết 390 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người lao động đã và đang làm việc cho các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn Tp.HCM.


Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ,TB&XH Tp.HCM đánh giá, đây là một lượng đơn khá nhiều vì trong năm 2021 có hơn 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội . Trong số 390 đơn mà Thanh tra Sở tiếp nhận, có 256 đơn khiếu nại; 65 đơn tố cáo; 69 đơn phản ánh kiến nghị.

Đối với các nội dung tố cáo, theo bà Thục, thường thì doanh nghiệp vi phạm đối với số đông người lao động, việc vi phạm này dễ xảy ra đình công, lãng công tại doanh nghiệp. Hầu hết các nội dung tố cáo là tố cáo đúng, qua giải quyết có xử lý hành vi vi phạm với doanh nghiệp.

Chia sẻ Facebook