Tp.HCM cải thiện tăng trưởng kinh tế từ quý II nhờ nhiều giải pháp
Chuyển biến về sản xuất công nghiệp và bán lẻ hàng hóa có thể khiến GRDP của Tp.HCM tăng trong quý II sau quý I ảm đạm.
Vượt khó để thúc đẩy kinh tế
Ngày 2/6, Cục Thống kê Tp.HCM công bố số liệu ước tính về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong quý II, dựa trên dữ liệu của Tổng cục Thống kê để so sánh các chỉ số của Tp.HCM với các địa phương khác trên cả nước.
Cơ quan này đưa ra lý giải về mức dự báo ước tăng GRDP là 5,87% trong quý II sau khi tăng trưởng chưa đến 1% trong quý đầu năm. Chuyển biến về sản xuất công nghiệp và tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa đang khiến đà tăng trưởng ngày càng khả quan hơn.
Ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng Cục Thống kê Tp.HCM, cho biết dù tốc độ tăng trưởng quý II của TP.HCM dự kiến đạt 5,87%, tăng mạnh so với 0,7% ở quý I, trên thực tế nếu so với 63 tỉnh thành, Tp.HCM chỉ ở mức trung bình thấp, chứ không cao.
Còn nếu so với 5 thành phố trực thuộc trung ương, Tp.HCM được xếp hạng ở vị trí thứ 3, sau Hải Phòng (10,45%) và Hà Nội (5,98%).
Lý giải về mức dự kiến tăng trưởng này, ông Tường cho biết trong 3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đều tăng trưởng âm, tuy nhiên, đến tháng 4, IIP đã có chuyển biến tích cực hơn.
“Chỉ số IIP trong tháng 5 ước tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm, IIP tăng 1,62% so cùng kỳ, dự kiến quý II tăng 1,68%. "Đây là 1 trong những yếu tố cho thấy tăng trưởng phục hồi trở lại", ông Tường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong năm 5 tháng đầu năm của thành phố đã tăng 9,4%, sức mua nội địa vẫn duy trì tốt.
Hiện tượng một số cửa hàng có sức mua giảm chủ yếu tập trung ở quận 1 bởi đối tượng khách hàng ở khu vực này nhắm tới người nước ngoài. Trong khi đó, ở những khu vực tập trung dân cư lao động vẫn đông đúc.
Đồng thời, ông Tường cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Sức mua trên sàn thương mại điện tử luôn tăng trưởng 2 chữ số, do vậy mới có hiện tượng một số cửa hàng có vẻ vắng khách.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm nay đã giảm 0,09% so với tháng trước qua đó góp phần CPI bình quân so với cùng kỳ tăng chậm lại. Tuy nhiên, việc tăng giá điện và lương tối thiểu sẽ gây áp lực lên chỉ số giá trong thời gian tới, vì vậy việc kiềm chế lạm phát luôn ưu tiên để góp phần tăng sức mua nội địa và tăng trưởng kinh tế.
Khó khăn thị trường và nguồn vốn
Để đạt được kết quả tăng trưởng trên, Tp.HCM đang tận dụng thuận lợi từ môi trường vĩ mô đang có chiều hướng tốt hơn từ quý II/2023; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; tháo gỡ vướng mắt về thủ tục hành chính cho các dự án, nhất là các dự án bât động sản; kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khâu; thực thi công vụ hiệu quả...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, ông Nguyễn Phước Hưng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp vẫn giữ niềm tin hoạt động kinh doanh ổn định, khởi sắc trong những tháng cuối năm. Hiện, doanh nghiệp đang cơ cấu lại bộ máy, tiết kiệm chi phí để cố gắng vượt qua giai đoạn này.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế chỉ ra, doanh nghiệp gặp khó khăn chính là thị trường và nguồn vốn. Trong đó, với doanh nghiệp xuất khẩu thì khó khăn nhất chính là thị trường.
“Thị trường thế giới đang chao đảo khi kinh tế thế giới trên đà suy giảm. Ở các nước có dân số từ vài chục đến trăm triệu dân, họ kiểm soát độ mở kinh tế một cách vừa phải. Trong khi đó, ở Việt Nam, độ mở của nền kinh tế rất lớn. Đây là yếu tố rủi ro bởi độ mở lớn thì chịu nhiều tác động từ bên ngoài”, ông Ngân nói.
Vì vậy, bài toán đặt ra đối với nước ta là phải kiểm soát độ mở. Việc này phải được đặt ra một cách nghiêm túc và có hệ thống giải pháp mới kiểm soát được nếu muốn xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thị trường trong nước lệ thuộc vào sức mua của người dân. Trong khi đó, nguồn lực của người dân bị sụt giảm sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Khó khăn thứ hai đối với doanh nghiệp đó là tiếp cận nguồn vốn. Ngân hàng vẫn cho doanh nghiệp vay nhưng điều kiện để doanh nghiệp được vay thì khó đáp ứng. Ngân hàng cũng không dám cho doanh nghiệp vay nếu không đáp ứng đủ các điều kiện, không dám cho vay dưới chuẩn vì phải đảm bảo an toàn.
Vị này nhận xét, hiện nay, dư nợ tín dụng rất thấp cho thấy khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế là có. Ngân hàng cũng rất muốn cho vay bởi nếu giữ tiền thì chẳng khác gì "cầm hòn than đang cháy trong tay", nghĩa là giữ tiền nhưng vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền.
Dù vậy, ngân hàng cũng không dám mạo hiểm cho vay dưới chuẩn, bởi nếu cho vay không an toàn thì sẽ mất vốn.
Về giải pháp, ông Ngân nhấn mạnh: “Để giúp doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện vay thì phải khôi phục và củng cố, phát triển cho được quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này được thành lập từ nguồn vốn ngân sách, thu từ thuế mà các doanh nghiệp đóng khi hoạt động tốt. Quỹ này sẽ cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn, duy trì hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Việc này cần được ưu tiên trong bối cảnh hiện nay chứ ngân hàng không dám cho vay dưới chuẩn”.
Ngoài việc tạo ra nguồn cung, cần chú ý đến chính sách cầu trong dân. Chúng ta cần chú ý đến thị trường nội địa 100 triệu dân trong nước trước bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Quan trọng nhất là Chính phủ phải có những chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ vốn để tăng "sức khỏe" cho người dân, tức là phải hỗ trợ nguồn lực tài chính.