Tp.HCM: Áp lực chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp chờ vốn tín dụng
Đà phục hồi của doanh nghiệp ngành sản xuất đồng thời chịu áp lực không nhỏ từ chi phí đầu vào leo thang, nên rất cần hiệu quả tín dụng.
Chi phí leo thang, doanh nghiệp tìm cách xoay xở
Tính đến tháng 6/2024, đại diện Công ty thực phẩm Orion Vina xác nhận giá nhiều loại nguyên liệu như ca cao, đường, sữa, bột mì tiếp tục leo thang trong nửa đầu năm. Đơn cử, ca cao tính tới thời điểm hiện tại tăng 300% so với cùng kỳ.
Mức tăng này đang làm gia tăng áp lực chi phí với công ty trong bối cảnh sức mua còn yếu. Chi phí đầu vào của công ty này đã tăng 2 con số trong nửa đầu năm nay.
Doanh nghiệp này chọn cách "thắt lưng buộc bụng", thực hiện các dự án xanh, bao bì thân thiện để giảm chi phí đầu vào. Năm nay, Orion Vina còn định giảm tiền quảng cáo, đầu tư mạng lưới phân phối và phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương để tạo ra doanh thu tốt hơn, tránh nguy cơ thua lỗ.
Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, doanh thu tăng 32% so với quý 1-2023. Tuy nhiên, lãi ròng giảm 94%, chỉ còn vài trăm triệu đồng với một doanh nghiệp quy mô xấp xỉ 3.000 lao động. Nguyên nhân được doanh nghiệp cho biết lý do là giá vốn bán hàng tăng mạnh.
Còn ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào đều tăng.
“Từ thức ăn chăn nuôi đến con giống và đặc biệt chi phí logistics đều tăng. Trong khi đơn hàng sản xuất theo hợp đồng đã ký”, ông Lĩnh nói.
Trong khi đó, đại diện Công ty Chế biến Thuỷ sản Khánh Trang chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động và phải đóng cửa.
Nguyên nhân, do đầu ra của sản phẩm còn hạn chế khi sức mua trên thị trường giảm, dẫn đến doanh nghiệp cạn nguồn tiền, tài sản thế chấp nên khó có thể tiếp cận vốn tín dụng.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, đơn hàng khá dồi dào, đơn giá đã tăng dần nhưng mục tiêu 44 tỷ USD xuất khẩu của ngành dệt may sẽ rất khó khăn để đạt được.
Hiện tại, các doanh nghiệp lại gặp thách thức lớn trong vấn đề tuyển dụng lao động, chất lượng lao động trong lĩnh vực dệt, sợi.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cũng chia sẻ, mặc dù tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành điện tử là dương nhưng khá nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng truyền thống trong bối cảnh suy giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
Các doanh nghiệp điện tử có đơn hàng gia công truyền thống bị giảm từ 50-80%, có doanh nghiệp phải đóng cửa bộ phận sản xuất họ đã có đơn hàng gia công trong 5-7 năm qua.
Dù vậy, doanh nghiệp đang tìm đơn hàng mới, dù khá bấp bênh. Doanh nghiệp điện tử Việt tham gia vào chuỗi cung ứng khó khăn, do máy móc, công nghệ yếu. Doanh nghiệp FDI trong chuỗi thường được ưu tiên hơn trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho sản xuất
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 5/2024, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 1,93% so với cuối năm 2023, tín dụng đã tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2/2024 đến nay.
Điều đó cho thấy sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung đã có sự cải thiện. Các chính sách thúc đẩy hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ và ngành Ngân hàng đã phát huy hiệu quả và tạo sự lan tỏa trên thị trường.
Theo ông Lệnh, trong những tháng đầu năm, các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, cho vay đối với doanh nghiệp tại khu chế xuất, khu công nghiệp, cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đặc biệt là các gói vay ưu đãi, tiêu biểu như gói vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản… đều là những điểm sáng về tăng trưởng tín dụng của thành phố Hồ Chí Minh và có tốc độ tăng trưởng khá cao.
Đầu năm 2024, 17 ngân hàng đăng ký gói tín dụng trị giá hơn 500.000 tỷ đồng tham gia chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Đến nay gói tín dụng ưu đãi này đã giải ngân được hơn 200.000 tỷ đồng, cho vay đối với gần 70.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Song song đó, các ngân hàng cũng đã triển khai mạnh mẽ chính sách giảm lãi vay, gia hạn nợ và không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, nhất là cho vay các nhóm, lĩnh vực ưu tiên.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, việc tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong nền kinh tế luôn được hệ thống ngân hàng xác định là nhiệm vụ quan trọng và tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy triển khai trên thực tế.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong hoạt động kết nối, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Vì thế, bất cứ lúc nào doanh nghiệp có ý kiến, kiến nghị, vướng mắc liên quan đến vấn đề vốn vay, sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng đều có thể kết nối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng liên quan để ngồi lại, cùng bàn bạc tìm phương án tháo gỡ.
Thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong sổ sách, chứng từ để chứng minh cho ngân hàng, do đó ngân hàng khó cho vay tín chấp với những doanh nghiệp này. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngân hàng có thể linh hoạt cân nhắc lựa chọn phương án cho vay tín chấp hay thế chấp.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách khuyến nghị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ như tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ; tập trung ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Các giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam.