TP.HCM: 22.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng Tết 2023
Bên cạnh chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ Tết 2023, doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết không tăng giá, hai ngày cận Tết sẽ giảm giá.
TP.HCM: 22.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng Tết 2023
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, UBND thành phố đã ban hành Quyết định kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm và Tết Quý Mão 2023.
Theo đó, nguồn hàng hóa phục vụ Tết 2023 được các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị hơn 30.000 tấn, tăng 15%-30% so với năm ngoái.
Trong đó, hàng hóa của DN bình ổn thị trường chiếm 25% - 43%, DN sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 57% - 75% nhu cầu thị trường.
Nguồn vốn các DN chuẩn bị phục vụ hai tháng Tết khoảng 22.000 tỉ đồng, trong đó 8.000 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Riêng tháng cao điểm Tết từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch, DN chuẩn bị 12.000 tỉ đồng.
Về giá, các DN bình ổn thị trường cam kết không điều chỉnh tăng giá một tháng trước Tết, một tháng sau Tết. Đặc biệt, hai ngày cận Tết các DN còn giảm giá sâu mặt hàng thịt heo, trứng gia cầm, thịt gà,...
Riêng các DN hưởng ứng chương trình Shopping Season đợt 2 năm 2022 cũng đẩy mạnh giảm giá sâu nhiều mặt hàng Tết như mứt, bánh, kẹo, nước giải khát..
Theo Sở Công Thương TP.HCM , hiện nay lượng nông sản cung ứng cho thị trường Thành phố qua ba chợ đầu mối bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm; 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả.
Dự kiến, cận Tết, lượng hàng nhập ba chợ lên đến 13.000- 15.000 tấn/ngày, tăng 80% so với ngày thường.
Song song đó, với 47 trung tâm thương mại, 240 siêu thị 3.019 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, tổng lượng hàng thực phẩm thiết yếu, lương thực cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.
Thời điểm này các DN trên đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết tăng từ hai đến ba lần so với tháng thường.
Để đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả từ nay đến Tết, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, có các phương án… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết.
Song song đó, Sở phối hợp Sở Công Thương các tỉnh, thành theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết… Đánh giá năng lực cung ứng nguồn thịt gia súc cũng như các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác, chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, vận động hệ thống phân phối trên địa bàn có chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến người dùng.
Ngoài ra, trước diễn biến lãi suất có xu hướng tăng, để hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất ưu đãi... cho DN thực hiện hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường, Sở đang phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM , nắm bắt khó khăn từng trường hợp cụ thể của DN, xử lý triệt để, đảm bảo nguồn vốn, hạn mức tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Trên cơ sở đó, giúp giữ ổn định chi phí sản xuất, ổn định giá thành sản phẩm, DN yên tâm sản xuất tạo nguồn hàng bình ổn thị trường và đảm bảo nguồn hàng Tết.
Cao điểm Tết có 260 chuyến bán hàng lưu động Nhằm đẩy mạnh phân phối hàng bình ổn thị trường đến tận tay người lao động tại các quận, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú đông công nhân… Dự kiến hai tháng cao điểm trước Tết, Sở tổ chức 260 chuyến bán hàng lưu động phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết...có cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng, giá phù hợp. |
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM