Tp.Đà Nẵng: Bài toán nào cho hoạt động du lịch ở các xã miền núi?
Nhiều người Hoà Vang tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm du lịch. Du lịch rõ ràng làm thay đổi diện mạo nhưng cần làm thế nào cho đúng pháp luật.
Du lịch miền núi rầm rộ phát triển
Từ trung Tp.Đà Nẵng, vượt hơn 30 cây số, chúng tôi có mặt ở xã miền núi Hoà Bắc, huyện Hoà Vang. Hòa Bắc là địa phương còn chậm phát triển kinh tế, tuy nhiên nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nhiều lợi thế về cảnh quan sông suối, núi rừng vô cùng đẹp. Cũng lợi thế thiên nhiên này mà hoạt động mdu lịch rầm rộ phát triển.
Những cánh đồng, ruộng mía hay rừng keo nay thưa thớt mà thay vào đó là các khu du lịch sinh thái, quán cà phê... Chỉ tính riêng địa bàn thôn Nam Yên đã có 6 khu du lịch được xây dựng với các lều sạp, trang trí tiểu cảnh phục vụ việc tổ chức sinh hoạt, vui chơi, trải nghiệm và có cả lưu trú. Như: Khu du lịch sinh thái Yên Retreat, Làng Mê, Làng Nguồn, cà phê Tiệm Nhà Đô, Ecolodge... Tuy nhiên, điều đáng buồn là đây đều là những khu du lịch trái phép, được xây dựng trái phép trên hàng chục ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Trong khi đó, tại xã Hoà Nhơn, chúng tôi ghi nhận nhiều khu vực trang trại, nhà vườn trái phép trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Như trang trại của ông Nguyễn Văn A ở thôn Diêu Phong được xây dựng tường rào, cổng ngõ khang trang, bên trong còn có nhà bê tông kiên cố với nhiều cây cổ thụ. Mặc dù. văn bản xử phạt từ tháng 7/2021, nhưng đến nay ông A vẫn không chịu tháo dỡ, phục hồi mnguyên trạng đất.
Theo công văn của Ban Đô thị HĐND Tp.Đà Nẵng trước kỳ họp HĐND Tp.Đà Nẵng vừa qua, cũng ghi nhận tình trạng xây dựng công trình trái quy định trên đất nông nghiệp để hình thành các cơ sở dịch vụ du lịch trái phép; diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều do sản xuất kém hiệu quả; hoạt động chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp chưa đúng đối tượng, chưa được kiểm soát chặt chẽ... tại địa bàn xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang còn nhiều bất cập.
Từ ngày các quán cà phê, khu du lịch mọc lên, bộ mặt xã Hòa Bắc cũng đổi thay hẳn. Nhiều người biết đến xã miền núi, nhiều người đến vui chơi, nghỉ dưỡng ở đây. Rõ ràng, các khu du lịch sinh thái, trang trại sẽ mang lại sự thay đổi tích cực cho người dân cũng như bộ mặt kinh tế của địa phương nhưng không phải vì thế mà bất chấp các quy định của pháp luật. Vậy, cần có bài toán nào cho hoạt động du lịch ở các xã miền núi.
Xử lý vi phạm, định hướng cho người dân làm du lịch
Số liệu từ UBND xã Hoà Bắc thể hiện, từ đầu năm, địa phương đã xử phạt 13 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực xây dựng, trong đó 52 trường hợp vi phạm về lưu trú.
Theo phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hoà Vang, đặc thù của Hoà Vang đất nông - lâm nghiệp chiếm diện tích lớn, trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thì công tác quản lý đất đai trên địa bàn có nhiều bất cập hạn chế nhất định do yếu tố lịch sử để lại. Việc tự ý chuyển đổi mục đích đang diễn ra trên địa bàn huyện Hoà Vang là trái quy định pháp luật.
Với vai trò là đơn vị quản lý tài nguyên - môi trường cấp huyện nhưng hiện nay lực lượng theo dõi lĩnh vực đất đai mỏng chỉ với 2 con người nên không thể rải đều 11 xã để thường xuyên kiểm tra. Trong quá trình quản lý nếu phát hiện việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử lý, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Được biết, vừa qua, UBND Tp.Đà Nẵng cũng ban hành Quyết định triển khai Đề án thực hiện thí điểm khai khác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang. Đề án được thực hiện thí điểm từ năm 2022 đến 2025 với số lượng không quá 15 mô hình thí điểm.
Các loại đất được triển khai mô hình gồm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất. Nguyên tắc thực hiện mô hình là khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho đối tượng khách du lịch trong ngày; các hạng mục cơ sở vật chất thực hiện phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung. Các mô hình thí điểm sẽ được triển khai các dịch vụ trải nghiệm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí...
Rõ ràng, du lịch sẽ góp phần thay đổi diện mạo xã miền núi. Tuy nhiên, để người dân làm du lịch đúng pháp luật rất cần định hướng từ cơ quan chức năng. Trong đó, việc thí điểm khai khác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang sẽ là những nền móng đầu tiên để rút kinh nghiệm, phát triển, nhân rộng về sau.