TPBVSK Phục Thần Đan quảng cáo "nổ" như thuốc chữa bệnh

Chia sẻ Facebook
05/03/2023 13:46:48

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phục Thần Đan do Công ty TNHH Health Promotioncông bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.


Ngày 2/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phục Thần Đan vi phạm quy định về quảng cáo.

Cụ thể, trong thời gian vừa qua trên website https://phucthandan.com quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phục Thần Đan vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm. Quảng cáo có thể gây hiểu nhầm, có tác dụng như thuốc chữa bệnh...

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phục Thần Đan được quảng cáo với công dụng: ngừa rối loạn thực vật; dưỡng tâm an thần; hỗ trợ ngủ ngon giấc; Hỗ trợ cải thiện triệu chứng khó ngủ; Người bị mệt mỏi, hồi hộp, bồn chồn, mất ngủ...

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm trên website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Trước đó, cuối năm 2022, Cục An toàn thực phẩm cũng liên tiếp đưa ra cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tọa An, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Bào Ngư Calichi, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Mao vi phạm quy định về quảng cáo, thậm chí quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.

Về việc Cục An toàn thực phẩm đã có những giải pháp nào để ngăn chặn các hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) sai sự thật?


Trả lời báo chí, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp quảng cáo gian dối, đặc biệt là các quảng cáo trên Zalo, Facebook, YouTube ... Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về TPCN.

Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai về TPCN (Ảnh minh họa).

Trước tình trạng vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe ngày càng có chiều hướng gia tăng, Cục ATTP đã nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông như Thanh tra Bộ; Cục Báo chí; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; đại diện Facebook khu vực châu Á-Thái Bình Dương... để tìm ra biện pháp phối hợp tốt nhất nhằm ngăn chặn những hành vi trên.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng thành lập tổ phản ứng nhanh với các thành viên là đại diện của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các cơ quan liên quan để phân công trách nhiệm xử lý vi phạm.

Bộ Y tế xử lý vi phạm của các cơ sở có sản phẩm TPCN quảng cáo sai sự thật, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các phương tiện quảng cáo vi phạm gồm báo, đài, website, mạng xã hội... Bộ Công Thương xử lý các website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử vi phạm.


Trong năm 2020 và 2021, Cục ATTP đã phạt hành chính khoảng 4 tỷ đồng, buộc tháo gỡ các quảng cáo TPCN sai sự thật. Năm 2022, Cục ATTP đã gửi 17 văn bản (với 72 đường link Facebook, 41 đường link website khác) tới Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông); gửi 13 văn bản (với 76 đường link quảng cáo trên trang thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử) tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để xử lý các đường link vi phạm quảng cáo, đóng đường link vi phạm hoặc xóa sản phẩm tại các gian hàng kinh doanh điện tử.. .

Chia sẻ Facebook