TP Thủ Đức: Nộp hồ sơ hành chính qua ứng dụng hoặc cổng thông tin điện tử
TP Thủ Đức: Nộp hồ sơ hành chính qua ứng dụng hoặc cổng thông tin điện tử
Ngày 29-4, TP Thủ Đức (TP.HCM) ra mắt Cổng thông tin điện tử TP Thủ Đức và ứng dụng trực tuyến "Thành phố Thủ Đức". Đây là hai kênh cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của TP Thủ Đức, đồng thời là hệ thống "một cửa" điện tử, nơi người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến đối với 68 thủ tục hành chính công trực tuyến cấp độ 3, 4.
Phấn đấu có 50% hồ sơ nộp trực tuyến
Ứng dụng "Thành phố Thủ Đức" và Cổng thông tin điện tử TP Thủ Đức còn có chức năng tiếp nhận phản ánh về trật tự đô thị, tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính, lấy số thứ tự giải quyết hồ sơ, hệ thống tổng đài tự động thông qua tương tác với người dân bằng tin nhắn hoặc bằng giọng nói.
Ứng dụng "Thành phố Thủ Đức" còn có các tính năng như đăng ký tư vấn trong lĩnh vực xây dựng và các thủ tục hành chính, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, thông tin công trình được cấp phép xây dựng.
Tại buổi ra mắt, TP Thủ Đức cũng phát động thi đua tuyên truyền và vận động để người dân trên địa bàn TP Thủ Đức biết và sử dụng các công cụ trực tuyến này. Đồng thời, các cơ quan hành chính trên địa bàn TP Thủ Đức cùng hướng đến nền hành chính công chuyên nghiệp trách nhiệm, năng động.
Cuộc vận động đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2022, có 50% số hồ sơ nộp qua ứng dụng trực tuyến, 50% dân số trên địa bàn Thủ Đức cài đặt và sử dụng hai công cụ trực tuyến này để giao dịch với chính quyền.
Ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho rằng ứng dụng "Thành phố Thủ Đức" và Cổng thông tin điện tử TP Thủ Đức là những giải pháp trọng tâm thực hiện công tác quản lý, giám sát việc thực thi công vụ, tạo môi trường tương tác giữa chính quyền và người dân, phát huy vai trò giám sát của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý…
Đây là một trong những nỗ lực, phấn đấu của TP Thủ Đức nhằm xây dựng một nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại, tạo một môi trường làm việc trực tuyến diện rộng, an toàn, an ninh thông tin. Qua đó, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính, giảm thời gian, chi phí.
Cổng thông tin phải "sống" để đem lại lợi ích kinh tế
Tại buổi lễ, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, gửi gắm các công cụ điện tử hướng tới quản trị và xây dựng TP Thủ Đức thông minh hơn nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Để hai công cụ trên phát huy hiệu quả, ông nhắc TP Thủ Đức phải cập nhật thông tin và tương tác thường xuyên để duy trì thông tin và thu hút sự theo dõi của người dân nhằm phục vụ cho công việc làm ăn, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Ông đề nghị TP Thủ Đức gia công thêm những dịch vụ bổ trợ, cần có sự hỗ trợ của các đơn vị cung cấp dịch vụ, rà soát để có hướng dẫn, có quy định để hoàn thiện môi trường số như chữ ký số, hồ sơ số, thanh toán điện tử, đẩy nhanh các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.
Ông Phan Văn Mãi cho biết hiện có một số quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã có trung tâm điều hành kỹ thuật số. Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo Sở Thông tin và truyền thông rà soát làm sao các quận, huyện cùng phát triển môi trường số trên một nền tảng và trong tương lai có thể tích hợp thành một mạng chung toàn TP, cùng tương tác, phối hợp với nhau được.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gợi ý "TP Thủ Đức nên chăng chọn ra 70-80% nội dung thẩm quyền của cấp tỉnh để đề xuất áp dụng làm cơ chế đặc thù để phát triển", tại Hội nghị Thành ủy TP Thủ Đức lần thứ 7 chiều 16-4.