TP Hồ Chí Minh tìm cách kéo giảm giá hàng hóa
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, dù gần đây giá xăng dầu nhiều lần điều chỉnh giảm, nhưng để kéo giảm giá hàng hóa vẫn đang là bài toán khó.
Báo cáo tình hình kinh tế TP Hồ Chí Minh 7 tháng vừa được công bố tiếp tục ghi nhận điểm sáng từ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, khi số liệu này tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, để giữ đà tăng cho giai đoạn còn lại, chính quyền thành phố xác định cần giải quyết được một số thách thức, đặc biệt là tác động từ giá hàng hóa tăng cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh qua 7 tháng tăng đến 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhiều cấu phần tăng tốt như bán lẻ hàng hóa tăng gần 20%, dịch vụ lưu trú - ăn uống tăng hơn 40%... góp phần giữ được đà phục hồi đã có.
Dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 2,6%. Trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng gần 16% do ảnh hưởng giá xăng dầu, gây lo ngại ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
"Giá cả hàng hóa, xăng dầu chiếm một tỷ trọng không lớn. Việc giảm xăng dầu sẽ là điều kiện để điều chỉnh. Tuy nhiên thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, hay các nguyên liệu khác đều tăng rất nhiều trong hơn 2 năm qua, do đó ảnh hưởng đến việc tăng giá chung chứ không chỉ là vì xăng dầu", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Lãnh đạo chính quyền thành phố cho rằng cần tiếp tục phát huy vai trò của chương trình bình ổn giá vốn quy tụ nhóm doanh nghiệp có quy mô 30 - 40% thị phần các loại thực phẩm thiết yếu. Bởi thời gian qua, trước tác động giá xăng dầu, nhiều mặt hàng bình ổn vẫn có giá ổn định.
"Thương mại đang tốt nhưng vẫn cần những đánh giá thêm trước tác động của việc tăng giá. Riêng chương trình bình ổn giá thì đề nghị Sở Công Thương quan tâm và có đề xuất", Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói.
Sau 4 lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu gần đây, một số loại thực phẩm tươi sống tại chợ truyền thống đã có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên riêng các loại hàng chế biến vẫn chưa giảm. Một số doanh nghiệp lý giải là do giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cấu thành giá của hàng chế biến.
Khi giá xăng dầu liên tục tăng cao, giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu cũng leo thang chóng mặt. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm mạnh, các loại hàng hóa lại chưa giảm tương ứng.