TP Hồ Chí Minh thận trọng ứng phó lạm phát cuối năm
Với những biến động tiềm ẩn từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp và ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đang thận trọng tính toán để ứng phó với lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại TP Hồ Chí Minh chỉ ở mức 2,1%, thấp hơn cả nước là 2,58%. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực kiểm soát lạm phát của chính quyền TP Hồ Chí Minh trong 8 tháng qua.
Với mặt hàng thịt lợn, doanh nghiệp cam kết vẫn giữ nguyên giá bình ổn dù giá thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu vẫn đang ở mức cao. Doanh nghiệp đang kết hợp với các hệ thống phân phối thực hiện linh hoạt chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, đồng thời kỳ vọng vào đà giảm giá đầu vào để yên tâm sản xuất.
Các hệ thống phân phối cho biết, giá xăng dầu đi xuống đã tạo dư địa để giá hàng hóa hạ nhiệt. Tại TP Hồ Chí Minh, đa số hàng hóa không giảm giá trực tiếp mà thông qua những chương trình khuyến mãi do doanh nghiệp phối hợp với hệ thống phân phối hiện đại thực hiện.
Tuy nhiên, theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm có thể tăng trên 30%. Các đơn vị đang lên kế hoạch tăng cường nguồn cung cho thị trường, trong đó tính đến phương án dự trữ hàng hóa sớm hơn để đảm bảo giá bán.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đánh giá, áp lực kiểm soát lạm phát từ nay tới cuối năm là rất lớn khi giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất chưa theo kịp đà giảm giá xăng dầu. Ngành chức năng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn chuẩn bị nguồn hàng, giảm chi phí trung gian, từ đó giảm áp lực tăng giá.
"Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh để gắn kết, nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng và vùng trồng, đảm bảo cung ứng cho thị trường thành phố. Khởi động lại chương trình bán hàng bình ổn lưu động, đưa hàng bình ổn đến các quận, huyện vùng ven, các khu công Nghiệp và khu chế xuất", ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng phối hợp với các quận huyện, TP Thủ Đức, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong các gói tín dụng. Từ đầu năm tới nay, đã giải ngân trên 700 tỷ đồng cho 33 doanh nghiệp tham gia bình ổn.
Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và làm tốt chương trình phục hồi kinh tế, điều hành linh hoạt, hiệu quả, bài bản khoa học, bình tĩnh, linh hoạt các chính sách.