TP Hồ Chí Minh nỗ lực kiểm soát giá, bình ổn thị trường

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 18:11:00

Ngành chức năng TP Hồ Chí Minh sẽ theo sát diễn biến, đảm bảo bình ổn thị trường, kiểm soát giá và hỗ trợ người tiêu dùng ở mức tối đa.


Kể từ tháng 4, nhiều nhóm hàng bình ổn của TP Hồ Chí Minh được điều chỉnh lên 5 - 14% để bù lại các chi phí đầu vào tăng của doanh nghiệp. Nhiều người lo ngại việc tăng này làm bất ổn thị trường. Tuy nhiên thực tế, ngay cả sau khi điều chỉnh, giá của các mặt hàng bình ổn rẻ hơn so với mặt bằng chung thị trường từ 3 - 15%. Doanh nghiệp vẫn đang tìm nhiều cách để chia sẻ với người tiêu dùng.


Trứng gà từ 28.000 đồng tăng lên 29.500 đồng/10 quả; trứng vịt từ 33.000 đồng tăng lên 35.000 đồng/10 quả… Mức tăng 6% giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn của Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt vừa được Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh duyệt mức giá mới.

Sau khi điều chỉnh, giá của các mặt hàng bình ổn rẻ hơn so với mặt bằng chung thị trường từ 3 - 15%. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)


"Giá nguyên vật liệu đã tăng mấy tháng nay, nhưng công ty vẫn cố gắng giữ bằng mọi cách để giá không tăng. Công ty cân nhắc rất kỹ để giá bình ổn chỉ tăng 6% so với trước đó", ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết.

Ngoài trứng gia cầm, các nhóm ngành hàng thiết yếu khác như thịt gia cầm điều chỉnh giá tăng 6 - 12%, thịt gia súc tăng 2 - 3%... Mức tăng được tính toán rất chi li, nhiều doanh nghiệp bình ổn thậm chí còn cố cầm cự thêm một thời gian nữa.

"Chúng tôi đăng ký giá lợn hơi là 51.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, giá lợn hơi là 56.000 đồng/kg. Chúng tôi chia sẻ với người tiêu dùng bằng cách chưa điều chỉnh giá ở thời điểm này và tiếp tục theo dõi tình hình thị trường. Nếu ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhiều thì chúng tôi sẽ xin chủ trương điều chỉnh", ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản, cho hay.

"Không phải vì tất cả các mặt hàng tăng giá mà chúng tôi xin tăng giá, để vật giá leo thang. Mục tiêu của doanh nghiệp vẫn là làm sao để kích cầu được, bán được nhiều hàng nhất, thị trường tiêu thụ được hàng hóa tốt nhất", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh năm nay tăng cả về số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia lẫn lượng hàng bình ổn. Đặc biệt, ở một số nhóm hàng như: gia vị, lương thực khô có mức tăng từ 5 - 8 lần, với lượng hàng doanh nghiệp đăng ký chiếm từ 25 - 33% nhu cầu thị trường; trong giai đoạn cao điểm sẽ đảm bảo cung ứng đến 50% nhu cầu thị trường.

"Số lượng doanh nghiệp tham gia bình ổn tăng lên, sản lượng hàng hóa tăng. Dù trong tình hình khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn quan tâm, có năng lực và kế hoạch để cùng thành phố giữ ổn định giá cả và cam kết giữ giá cả ổn định cho thị trường", ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết dù tăng giá, các nhóm hàng bình ổn vẫn phải đảm bảo thấp hơn từ 3 - 15% so với thị trường.

Từ ngày 2/4, TP Hồ Chí Minh chính thức công bố giá bán các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý Mão 2023.

Chia sẻ Facebook