TP Hồ Chí Minh: Nhiều trường mời giáo viên nghỉ hưu hoặc từ trường khác đến thỉnh giảng

Chia sẻ Facebook
16/09/2022 00:30:40

TP Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa có phương án tối ưu để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Các trường đã phải mời giáo viên nghỉ hưu hoặc từ trường khác đến thỉnh giảng.


Nỗi lo sắp xếp giáo viên của Ban giám hiệu các trường vẫn ngổn ngang. Nhiều kế hoạch trong trường cũng phải thay đổi theo lịch làm việc của giáo viên thỉnh giảng .

Dù đã nghỉ hưu nhưng cô Yến vẫn được mời thỉnh giảng, dạy môn công nghệ ở 2 trường công lập. Mỗi tuần cô dạy 12 tiết, với thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng.


Bộ môn Công nghệ theo chương trình giáo dục phổ thông mới có đặc thù riêng nhưng do thu nhập thấp nên nhiều giáo viên chuyển nghề khác.

Với những bộ môn đang "khát" giáo viên như tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, việc tuyển dụng hoặc mời thỉnh giảng còn khó hơn.

TP Hồ Chí Minh thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học. Ảnh minh họa: NLĐ


Dù TP Hồ Chí Minh đã có chính sách đặc biệt, tăng thu nhập để thu hút và giữ chân giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn không đủ sức thu hút giáo viên mới ra trường. Một đề xuất mới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo, cho phép trường tiểu học có thể thỉnh giảng giáo viên THCS dạy nhưng cũng không khả thi.

Một số quận vùng ven thiếu đến 300-400 giáo viên nhưng chưa được giao biên chế nên các trường không thể tuyển dụng. Đặc biệt ở khối THCS, có trường thiếu đến 20-30 giáo viên, như Trường THCS Bình Hưng Hòa có 56 lớp nhưng chỉ có 1 giáo viên mỹ thuật. Ban giám hiệu phải đôn đáo tìm giáo viên trường khác đến thỉnh giảng.

Những giáo viên trẻ dù tâm huyết yêu nghề nhưng mức lương vẫn chỉ gần 4 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải chi phí thuê nhà, sinh hoạt ở thành phố. Trăn trở của họ là về quê hay làm gì để bám trụ với nghề.

Năm học này, TP Hồ Chí Minh còn thiếu gần 6.000 biên chế giáo viên nhưng dự kiến đến tháng 10/2022, TP mới có thông tin chính thức bổ sung chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên cho các quận huyện.

Không chỉ TP Hồ Chí Minh, mà thống kê cho thấy trên cả nước, năm học này sẽ thiếu gần 95.000 giáo viên. Vậy nên, việc phân bổ giáo viên, điều chỉnh chương trình dạy vẫn trĩu nặng trên vai lãnh đạo các trường.

Chia sẻ Facebook