TP Hồ Chí Minh khuyến cáo phòng chống bệnh cúm mùa
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị bệnh cúm phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Khi có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi…, người dân cần liên hệ với các cơ sở y tế để thăm khám, không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà;
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;
- Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng;
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết;
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Tiêm vaccine cúm là một trong các giải pháp nâng cao sức đề kháng phòng chống bệnh cúm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả các loại vaccine cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm thiểu 70 - 80% tỷ lệ tử vong do cúm. Để chủ động bảo vệ người lớn tuổi trong gia đình tránh nguy cơ nhiễm cúm mùa trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cần tiêm phòng vaccine cúm tăng cường miễn dịch ở người già.
Virus cúm liên tục đột biến lẩn trốn miễn dịch của con người dù chưa đến mùa đông. Đặc biệt, tỷ lệ mắc cúm ở trẻ em và người lớn tăng cao với nhiều biến chứng nguy hiểm.