TP Hồ Chí Minh “hồi sinh” nhiều dự án hạ tầng dang dở
Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp đột phá trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giúp nhiều dự án dang dở đang được hồi sinh trở lại.
Dự án cầu Tăng Long tại TP Thủ Đức, được khởi công từ năm 2017 nhằm thay thế cho cây bên cạnh đang xuống cấp. Theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành vào năm 2019 nhưng khi đạt 30% khối lượng cầu đã phải tạm dừng thi công suốt 3 năm qua do phát sinh chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng .
Tuy nhiên, sắp tới đây dự án cầu Tăng Long, hay cầu Long Kiểng, Nam Lý sắp được khởi công trở lại do gỡ được nút thắt về mặt bằng. Giải pháp là thành phố đã lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc mặt bằng, đứng đầu là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các ban chỉ đạo ở các địa phương tổ chức họp hàng tuần để bám sát, tháo gỡ các khó khăn.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng thí điểm quy trình rút ngắn thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng từ hơn 300 ngày xuống còn 200 ngày.
"Quan trọng nữa là đơn giá và hệ số điều chỉnh để tính toán chi phí cho bà con thì thành phố đang cố gắng để khoảng cách giữa giá thị trường và giá Nhà nước đền bù rút ngắn lại, tăng thêm sự đồng thuận của bà con", ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho hay.
Với các giải pháp đột phá, hiện các quận, huyện như TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè… đã hoàn chỉnh chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân. Việc chi trả đền bù sẽ thực hiện trong hai tháng cuối năm để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Dự kiến đến đầu năm sau sẽ có gần 10 dự án giao thông trọng điểm khác sẽ được thi công trở lại.
Ngoài ra, trong kiến nghị Luật Đất đai sắp tới, thành phố kiến nghị chính sách bồi thường sẽ sát với thị trường theo bảng giá do chính quyền địa phương ban hành. Bảng giá này sẽ tùy vào đặc điểm dân cư, đô thị, vị trí dự án để đảm bảo giá đền bù sát giá thị trường, tạo sự cân bằng về giá cả, giúp người dân đồng thuận hơn sau này.