TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo tiêm chủng đủ liều, đúng lịch cho trẻ

Chia sẻ Facebook
06/12/2022 12:26:48

Các cơ sở y tế nhanh chóng lên danh sách, rà soát lịch tiêm và chủ động các phương án đảm bảo tiêm phòng cho trẻ đủ liều, đúng lịch ngay sau khi được phân bổ thêm vaccine.


Sau nhiều tháng diễn ra tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã phân bổ hơn 400.000 liều vaccine sởi và vaccine DPT phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván cho các tỉnh, thành, để tiêm chủng cho trẻ. Trước đó, các trạm y tế cũng đã tư vấn phụ huynh lựa chọn các phương án thay thế để không làm lỡ lịch tiêm ngừa của con khi chờ vaccine. Bởi các chuyên gia cho rằng, tiêm ngừa ngay khi có thể và càng sớm càng tốt, là giải pháp giúp tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ trẻ, đồng thời tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Tại trạm y tế phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm ngừa đang chờ vaccine đã được lập nhiều tháng nay. Đại diện trạm y tế cho biết, khi vaccine được phân bổ về sẽ tiêm ngay cho trẻ.

Bác sĩ Phạm Huy Hoàng - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Các cơ quan cấp trên sẽ có sự điều phối cho tuyến cơ sở. Chúng ta phải đảm bảo cho việc tiêm chủng quốc gia. Trễ khá nhiều sẽ ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng."

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ nhiều tháng nay, thành phố đã không nhận được phân bổ nhiều vaccine viêm não Nhật Bản, Sởi Rubella, OPV (bại liệt).

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp như các trạm y tế lập danh sách những trẻ chưa được tiêm để khi có vaccine là tiêm cho trẻ ngay.

Trong 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ còn non yếu. Trong khi một số bệnh nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề ngay cả khi được chữa khỏi. Do đó việc tiêm ngừa là giải pháp để phòng bệnh cho trẻ.

Bác sĩ CKI Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết: "Khoảng cách từ 0-3 tuổi, miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, trẻ dễ bị nhiễm trùng, siêu vi. Hoặc những tác nhân có thể tấn công trẻ bất cứ lúc nào. Cho nên có một chiến lược gọi là chiến lược tiêm ngừa."

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng ta không nên chích ngừa trễ. Nhưng mà trễ còn hơn không. Nên chúng ta có cơ hội thì chúng ta nên chích ngừa."

Bác sĩ Trương Hữu Khanh.

Tiêm ngừa là giải pháp phòng ngừa quan trọng cho trẻ trước diễn biến dịch bệnh nguy hiểm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ huynh cũng nên chủ động rà soát lại xem con còn thiếu mũi nào để nhanh chóng tiêm bù, đảm bảo trẻ được tiêm đủ liều - đúng lịch, bảo vệ con tối ưu. Trong bối cảnh chờ đợi vaccine đang được phân bổ, phụ huynh có thể chủ động tìm phương án thay thế để không làm lỡ lịch tiêm của trẻ.

Chia sẻ Facebook