TP Hồ Chí Minh chuẩn bị các điều kiện thí điểm phổ cập Mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi
Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên sẽ triển khai thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi trong năm học này.
Dù là bậc học chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 trong năm học vừa qua, nhưng với sự nỗ lực chung, ngành giáo dục Mầm non thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước khắc phục được khó khăn, củng cố chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học với định hướng lấy trẻ làm trung tâm. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố có thể triển khai hiệu quả việc thí điểm phổ cập Mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi trong năm học này.
Lấy trẻ làm trung tâm
Những năm gần đây, phương pháp dạy và học ở bậc Mầm non được chú trọng đổi mới theo định hướng lấy trẻ làm trung tâm, thay vì truyền thụ kiến thức một chiều, từ đó học sinh được chủ động trải nghiệm, khám phá và nhận thức.
Để tổ chức tiết dạy về hiện tượng chuyển động của nước, thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên Trường Mầm non 1 (Quận 5) đã chuẩn bị vỏ chai nhựa, miếng xốp, ống hút và ly nhựa mang đế lớp để cho học sinh làm thuyền. Thầy Bình cho thuyền di chuyển trên mặt nước để trẻ quan sát, sau đó đặt câu hỏi mở, gợi ý cho trẻ như tại sao thuyền đi được dưới nước, vì sao thuyền của bạn này chạy được nhanh, thuyền của bạn kia chạy chậm… Trẻ hào hứng trả lời theo suy nghĩ của mình và thầy Bình giải thích cho trẻ hiểu. Đây là tiết học ứng dụng phương pháp giáo dục STEM để học sinh có thể dễ hiểu được những kiến thức từ các hiện tượng trong cuộc sống.
Thầy Nguyễn Phương Bình chia sẻ, phương pháp giáo dục STEM giúp tạo ra định hướng tư duy tích cực, trẻ thích thú khám phá và tìm tòi. Trẻ được trải nghiệm kiến thức thông qua thực tiễn hoạt động như "chơi thông minh", "học vui vẻ". Tuy nhiên, để dạy trẻ trong độ tuổi từ 4-5 tuổi có kiến thức, kỹ năng vận dụng thực hành các hoạt động giáo dục STEM không phải là việc đơn giản. Đây là phương pháp dạy học mới ở bậc học này nên đòi hỏi giáo viên phải thực sự kiên nhẫn, không ngừng học hỏi để có kiến thức, sáng tạo. Trước hết giáo viên cần nắm được khả năng nhận thức, kỹ năng của trẻ, để từ đó xây dựng kế hoạch, hoạt động giáo dục phù hợp với từng nhóm trẻ, tổ chức các tình huống tự nhiên cho trẻ giải quyết; chuẩn bị đồ dùng học tập hấp dẫn trẻ, để trẻ hứng thú tham gia vào các hoạt động.
Bên cạnh đó, giáo viên cần duy trì thái độ tích cực, kiên nhẫn, vui vẻ và luôn động viên ủng hộ trẻ trong suốt quá trình dạy. "Trẻ Mầm non không thể học được những kiến thức hàn lâm, vĩ mô, nhưng trẻ có thể học thông qua tất cả các hiện tượng, sự vật, sự việc diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Vì thế, dạy kiến thức gắn liền với những hoạt động, hiện tượng cụ thể sẽ giúp trẻ dễ tiếp cận với kỹ năng, kiến thức, khái niệm mới" - thầy Nguyễn Phương Bình chia sẻ.
Với định hướng xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm, các cơ sở giáo dục Mầm non đã thực hiện nhiều giải pháp từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đổi mới phương pháp dạy học, để tạo môi trường học tập mang tính mở, kích thích sự chủ động, sáng tạo của trẻ. Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1) cho biết, bên cạnh khuyến khích giáo viên chủ động, mạnh dạn trong tổ chức các hoạt động thực hành, khám phá trải nghiệm cho trẻ, trường cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của các phương pháp dạy học mới. Trong đó, nhà trường đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho phòng học STEM, xây dựng phòng học thông minh tạo cho trẻ không gian học tập, thực hành, khám phá. Bên cạnh đó, nhà trường cũng giảm tối đa chi phí bằng cách sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn, tái sử dụng để đưa vào các tiết học.
"Qua triển khai thực tế, trẻ rất thích được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm theo hướng tiếp cận của phương pháp giáo dục STEM. Trong các tiết học, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, gợi mở và tạo các cơ hội cho trẻ được tiếp cận các khái niệm mới ở nhiều góc độ, mức độ khác nhau" - bà Nguyễn Thị Mỹ Phương chia sẻ.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, sau kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, thành phố tiếp tục triển khai chuyên đề Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2021-2025. Một trong những mục tiêu chính của chuyên đề là tạo môi trường thân thiện cho trẻ, thông qua nhiều hoạt động giáo dục khác nhau kích thích sự chủ động, sáng tạo của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ. Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, thiết kế trường lớp phù hợp, với định hướng lấy trẻ làm trung, phương pháp giáo dục ở bậc học này cũng được đổi mới. Trong đó, trong các hoạt động giáo dục sẽ tăng cường tính chủ động, tích cực của trẻ "học bằng chơi, chơi mà học", tạo cơ hội để trẻ được tiếp cận, trải nghiệm, xử lý các tình huống xảy ra trong sinh hoạt hằng ngày.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, để củng cố công tác dạy học sau thời gian dài nghỉ do ảnh hưởng của dịch, Sở đã đẩy mạnh phong trào xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Khi áp dụng các phương pháp mới đòi hỏi tính chủ động, sáng tạo ở người giáo viên là rất lớn. Trong đó, khuyến khích giáo viên phát huy năng lực trong tổ chức hoạt động giáo dục, xây dựng các góc học tập linh hoạt, sáng tạo để nâng cao hiệu quả dạy học.
Thí điểm phổ cập Mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi ở 312 phường, xã từ năm 2014. Công tác huy động trẻ đến trường, lớp được thực hiện thường xuyên, liên tục với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể. Năm 2021, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp ở thành phố đạt 99,5%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục Mầm non đạt 99,8%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 99,7%. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên sẽ triển khai thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi trong năm học này.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, Sở đang rà soát, cập nhật số liệu về tỷ lệ trẻ 3, 4 tuổi đến trường ở các quận, huyện. Dựa trên số liệu này, Sở sẽ xem xét, lựa chọn trường, địa phương sẽ thực hiện thí điểm trong thời gian tới. Theo đó, các trường đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ sẽ triển khai thí điểm ngay trong năm học này, không phân biệt trường công, tư.
"Với kết quả phổ cập Mầm non cho trẻ 5 tuổi từ 2014 đến nay, thành phố có nhiều điều kiện, kinh nghiệm để triển khai thí điểm phổ cập Mầm non cho trẻ 3, 4 tuổi. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm học này, vì thế ngành đang từng bước chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để có thể thực hiện đạt kết quả tốt nhất, trên cơ sở đó có thể triển khai đại trà. Về vấn đề chuyên môn và đội ngũ, thành phố có thể đảm bảo đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên về cơ sở vật chất trường lớp hiện vẫn là vấn đề cần quan tâm, bởi tình hình trường lớp luôn quá tải", bà Lương Thị Hồng Điệp chia sẻ.
Để thực hiện được chủ trương này, theo bà Lương Thị Hồng Điệp bên cạnh sự nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, công tác huy động trẻ ra lớp cũng được ngành giáo dục chú trọng thông qua đẩy mạnh tuyên truyền ở từng địa phương. Bởi việc đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở độ tuổi này còn khó khăn, nhất là khu vực ngoại thành do tâm lý phụ huynh chưa muốn con ra lớp. Đơn cử như, huyện Cần Giờ, mặc dù cơ sở vật chất của các trường luôn đảm bảo cho công tác dạy và học cho trẻ trong các độ tuổi trên địa bàn, nhưng tâm lý của người dân chưa muốn cho trẻ đến trường do phần lớn có người trông giữ và nhà lại xa trường.
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.300 trường Mầm non, cùng với đó còn có hơn 1.580 nhóm, lớp độc lập tư thục và 228 nhóm trẻ. Tổng số trẻ đang học bậc mầm non là hơn 292.000, trong đó trẻ 5 tuổi là hơn 83.700 em, trẻ 4 tuổi là hơn 243.000 em, trẻ 3 tuổi là gần 49.700 em. Thành phố cố hơn 2.670 cán bộ quản lý, hơn 25.100 giáo viên Mầm non, trong đó có hơn 24.800 giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp, còn 281 giáo viên chưa đạt.