TP HCM: Kiến nghị xử lý hành vi chiếm dụng phí bảo trì chung cư
Hiện nay, nhiều chủ đầu tư cố tình không bàn giao phí bảo trì chung cư, thậm chí trường hợp đã có quyết định xử phạt hành chính nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được.
TP HCM: Kiến nghị xử lý hành vi chiếm dụng phí bảo trì chung cư
Ngày 3-12, Sở Xây dựng và Công an TP HCM tổ chức hội thảo "Công tác quản lý nhà chung cư trên địa bàn TP HCM ".
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Thủ Đức, cho biết trên địa bàn thành phố có 172 chung cư, trong đó có 162 chung cư đang hoạt động, với 167 ban quản trị (do có 5 chung cư có 2 ban quản trị). Trong số này, 103 ban quản trị đã nhận kinh phí bảo trì, trong đó 12 trường hợp đã nhận bàn giao và sử dụng hết, 15 trường hợp chưa bàn giao đủ và chưa quyết toán.
Theo bà Trang, một số chủ đầu tư thu phí bảo trì nhà chung cư nhưng không gửi vào tổ chức tín dụng mà sử dụng khoản kinh phí này để đầu tư kinh doanh. Do đó, chủ đầu tư cố tình chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị để kéo dài thời gian quản lý chung cư, quản lý kinh phí bảo trì hoặc cố tình chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì và hồ sơ liên quan đến nghiệm thu, bảo trì công trình chung cư. Việc này dẫn đến các ban quản trị gửi đơn khiếu nại nhiều nơi, thậm chí có trường hợp cư dân treo băng rôn tại chung cư làm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp.
Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Thủ Đức kiến nghị Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát và đề nghị Công an TP HCM phối hợp cơ quan liên quan, đơn vị liên quan xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là các hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì.
Theo bà Trang, Nghị định 30 quy định rõ về thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư, tuy nhiên thực tế hầu như thực hiện không được. Chủ đầu tư cố tình trì hoãn bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư mặc dù UBND phường và TP Thủ Đức tiếp xúc, ra văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì. Sau đó, Ban quản trị chung cư gửi văn bản lên UBND TP HCM về việc yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì. Tuy nhiên, những công văn này được Văn phòng UBND TP HCM chuyển về Sở Xây dựng và TP Thủ Đức.
"Việc xử lý rất khó khăn do chủ đầu tư cố tình chây ì qua rất nhiều năm. Chúng tôi mong Sở Xây dựng quan tâm, chỉ đạo để thực hiện đúng thủ tục cưỡng chế yêu cầu chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì theo đúng quy định pháp luật. Hiện nay khi nhận văn bản của UBND TP HCM , Sở Xây dựng thì TP Thủ Đức rất lúng túng vì cũng đã làm hết trách nhiệm trong thẩm quyền của mình" – bà Trang kiến nghị.
Tương tự, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho hay trên địa bàn có 15 chung cư được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2005. Trong quản lý vận hành còn những khó khăn vướng mắc, trong đó có tình trạng chậm bàn giao quỹ bảo trì phát sinh do mâu thuẫn lợi ích (sở hữu chung riêng) không được giải quyết, chủ đầu tư giữ lại quỹ bảo trì để gây áp lực. Trong khi đó, các quy định chế tài của cơ quan chức năng không đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa.
"Chủ đầu tư chây ì không bàn giao phí bảo trì nhưng chúng ta chưa có cơ sở, chế tài đầy đủ để thực hiện việc bàn giao này. Có dự án chung cư đã quyết định xử phạt, yêu cầu chuyển giao phí bảo trì này. Tuy nhiên, chúng tôi gửi văn bản nhiều lần, mời họp nhiều lần nhưng cuối cùng không làm gì được. Vì vậy, chúng ta cần có chế tài cụ thể để giải quyết những trường hợp này" – ông Võ Nguyễn Lê Phan nói.
TP HCM hiện có 20/22 quận, huyện, TP Thủ Đức có nhà chung cư (gồm 474 chung cư xây trước năm 1975 và 1.083 chung cư mới) gồm 2.742 lô chung cư với 342.532 căn hộ, trong đó có 750.000 nhân khẩu (hơn 32.000 nhân khẩu là người nước ngoài).
|
QUỐC ANH
Người lao động