Tour guide dần qua 'giấc ngủ đông'

Chia sẻ Facebook
30/03/2022 01:36:08

Sau gần 2 năm "ngủ đông" vì nhiều đợt dịch bùng phát, các hướng dẫn viên du lịch đang hy vọng lượng khách sẽ bùng nổ, cứu lại thu nhập "rỗng túi" của họ suốt thời gian qua.

Anh Nguyễn Hoàng Quân (thứ hai từ trái sang) dẫn đoàn khách đi tour đảo Nam Du (Kiên Giang) tháng 2-2022 - Ảnh: NVCC

Từ tháng 5-2021, khi TP.HCM bắt đầu bùng dịch rồi vào giai đoạn giãn cách xã hội, thu nhập của hướng dẫn viên (HDV) Nguyễn Hoàng Quân giảm dần và chạm mốc... con số 0.


Số tour còn ít nhưng đang "đỡ dần"

"Ai cũng biết khi bùng dịch, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất" - Nguyễn Hoàng Quân (26 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) - nói. Khi đó anh và đồng nghiệp chịu cảnh bó gối tại nhà vì tour liên tục bị dời, hủy.

Sang "thời bình thường mới", nhiều HDV khấp khởi chờ đợi được đi làm lại nhưng không ít người vẫn chuyển nghề.

Họ lo lắng không biết dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào, dù hết giãn cách song du lịch phải mất một khoảng thời gian khá dài mới có thể "sống khỏe". Anh Quân cho biết du lịch đã dần khởi sắc và phát triển từ trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng nhưng so với trước kia thì kém hơn nhiều.

"Du lịch hiện thiên về tour nội địa nhiều, đạt 60 - 70% so với trước dịch, do tâm lý khách vẫn còn ngại dịch. Còn tour đi quốc tế thì bên tôi đang chạy thí điểm, nhưng cũng ít lắm.

Tôi có khảo sát khách, đi trong nước thì có thể chứ đi quốc tế họ vẫn còn ngại chủng virus mới, cộng thêm một số nước chưa mở lại đường bay, chưa cấp visa, buộc cách ly, test PCR khi mới nhập cảnh. Họ sợ qua đó cách ly rồi đi về chứ không vui chơi gì được", anh Quân cho hay.

Anh tâm sự số tour trung bình hằng tháng của mình đang được 8 - 15 tour, bằng phân nửa so với chưa có dịch. "Trước kia đi liên tục, khách cũng chưa khó khăn về kinh tế nên thu nhập tính luôn tiền tip của tôi khá lắm. Còn từ Tết tới giờ làm chỉ đủ trang trải chứ không dư", anh nói.

Đồng thời cho biết công ty đang kích cầu giá nhằm thu hút khách đặt tour, song do giá xăng vẫn đang cao nên hầu như giá tour không giảm được bao nhiêu.

Ngoài ra, số tour đã đặt hiện cũng bị hủy, dời liên tục do khách nhiễm biến chủng mới. "Chẳng hạn tối khởi hành mà từ sáng khách xét nghiệm ra dương tính thì coi như hủy, dời tour đó và mình chẳng làm gì khác hơn ngoài nằm ở nhà.

Anh hy vọng dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, tình hình du lịch sẽ có sự bùng nổ lớn sau thời gian "ngủ đông" quá dài, đồng thời sẽ làm bàn đạp sang mùa hè - thời điểm du lịch bước vào cao điểm.

Công ty lữ hành Nữ Hoàng đón đoàn du khách Đức đầu tiên trong năm - Ảnh: NVCC


Thay đổi để thích ứng

Tại văn phòng hãng du lịch lữ hành Nữ Hoàng (Queen Travel, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Hiển, tổng giám đốc và anh Khúc Ngọc Duy, trưởng phòng điều hành kiêm đội trưởng đội HDV du lịch, đang bận rộn để tái hoạt động công ty.

"Chúng tôi có nhiều việc phải làm hiện nay. Gây dựng lại cơ sở vật chất, con người, nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch bệnh. Chúng tôi phải đảm bảo mọi khâu hoạt động tốt để phục vụ khách mới yên tâm" - anh Hiển cho biết.

Theo anh Hiển, thời điểm này hoạt động du lịch đã dần khá hơn nhưng vẫn "phập phồng" vì dịch bệnh. Việc tiếp cận nguồn vốn, dù có chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng ngân hàng lại căn cứ vào nguồn thu hiện tại mới cho vay. Du lịch mới khởi động, rất khó có khoản thu ổn định ngay.

"Số ở lại rất tâm huyết, có người đã gắn bó lâu năm, hiện nay đang rất hào hứng quay trở lại công việc. Chúng tôi vẫn thường xuyên trò chuyện, động viên nhau vượt qua đại dịch, còn giờ thì bàn về tình hình mới, kế hoạch hoạt động trở lại hy vọng tốt đẹp hơn" - anh Duy nói.

Hiện công ty đang gấp rút tuyển bổ sung nhân viên mới, kế hoạch đào tạo bài bản để chuẩn bị cho thị trường du lịch dần hồi sinh. "Chúng tôi luôn đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ HDV theo tiêu chuẩn khắt khe nhất. Linh hoạt thay đổi, làm mới để thích ứng với mọi hoàn cảnh" - anh Duy cho hay.


Đang tập trung vào khách nội địa

Theo anh Nguyễn Nhất Vũ - tổng giám đốc Công ty du lịch Fittour, lượng khách đặt tour hiện đã khởi sắc hơn so với lúc TP.HCM bùng dịch và lúc mới tạm "mở cửa" hồi tháng 10-2021.

"Hiện đã khởi sắc nhưng cũng chỉ đạt mức 50 - 60% so kỳ vọng của công ty. Mọi thứ mới có tín hiệu quay trở lại, các hoạt động du lịch cũng chỉ mới mở cửa toàn quốc từ ngày 15-3 nên chưa nói trước điều gì", anh Vũ nói và cho biết thêm theo quan sát cá nhân, thị trường nội địa chỉ mới phục hồi khoảng 20 - 30%. Muốn được như trước kia cần ít nhất một năm.

"Đã xác định "sống chung với dịch" nên tâm lý khách đa số cũng cởi mở sau hai năm tù túng, nhưng bên cạnh vẫn còn một số khách e ngại đi những đoàn đông người. Những nhà cung cấp như chúng tôi đều hỗ trợ khách hết mình, giá cả cũng tốt nhằm kích cầu du lịch", anh Vũ cho hay.

Dù các đường bay quốc tế đã khôi phục và du lịch mở cửa hoàn toàn từ 15-3, song lượng khách đến TP.HCM chưa nhiều. Năm nay các nhà làm tour như anh Vũ vẫn tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa 100 triệu dân, xây dựng các sản phẩm du lịch từ nửa năm đến một năm tùy tình hình thực tế.


Mong lại được dẫn khách quốc tế

"Từ đầu năm đến giờ, tôi đã ký hợp đồng được 4 chuyến dẫn khách, 3 chuyến dẫn đoàn cho công ty, 1 chuyến là nhóm khách quen tự liên hệ. Chuyến đi xa nhất là Đà Nẵng, chuyến gần nhất là Phan Thiết.

Thu nhập từ việc này hiện chưa đủ sống, tôi vẫn phải tranh thủ dạy thêm tiếng Anh online và hy vọng sau 30-4 tình hình du lịch sẽ khả quan hơn. Dù sao cũng thấy rất mừng so với những tháng bó gối hoàn toàn vì dịch năm ngoái" - anh Lý Vinh, một HDV du lịch tự do chuyên làm theo hợp đồng, cho biết.

Anh Vinh thuộc nhóm HDV tiếng Anh nên rất mong khách quốc tế vào Việt Nam và khách trong nước đi nước ngoài nhiều lại như trước kia. Trước khi có dịch, hơn hai phần ba thu nhập của anh Vinh là dẫn đoàn khách nước ngoài và người Việt ra nước ngoài.


MẠNH DŨNG

Đứng thứ 6 thế giới về tỉ lệ bao phủ vắc xin COVID-19, Việt Nam có lợi thế để hồi sinh ngành du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh gay gắt. Làm gì để hồi sinh du lịch Việt bền vững?

Chia sẻ Facebook