'Tốt nghiệp từ một trường danh tiếng, tại sao tiền lương của tôi không quá 30 triệu đồng/tháng?'
Với áp lực cạnh tranh xã hội ngày càng lớn hiện nay, nhiều học sinh mong muốn được nhận vào đại học danh tiếng với hy vọng tiếng tăm của ngôi trường sẽ giúp họ tìm được công việc tốt hơn sau khi tốt nghiệp.
"Tại sao lương tháng của tôi không quá 10.000 nhân dân tệ (~34 triệu đồng) dù tôi tốt nghiệp trường danh tiếng?"
Một Thạc sĩ tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh đã chia sẻ trải nghiệm tìm việc của mình. Đối với sinh viên mới tốt nghiệp hiện nay, mức 10.000 NDT đã trở thành yêu cầu cơ bản về tiền lương của họ, đặc biệt là những người tốt nghiệp các trường danh tiếng. Những sinh viên này cảm thấy rằng trình độ học vấn của họ cao và đủ và họ cũng có thể dễ dàng kiếm được việc làm.
Nhưng anh chàng Thạc sĩ này đặt ra câu hỏi: "Tôi tốt nghiệp từ một trường danh tiếng, tại sao tiền lương hàng tháng của tôi không quá 10.000 NDT?”. Ngoài bằng đại học, anh chàng này đã tham gia thi để lấy thêm chứng chỉ trình độ chuyên môn pháp lý và dịch vụ dân sự để làm công chức.
Trong môi trường cạnh tranh hiện nay, luật và kế toán là chứng chỉ năng lực mà nhiều sinh viên mới tốt nghiệp mơ ước, bởi hầu hết mọi người đều nghĩ rằng sau khi sở hữu 2 chứng chỉ này, mức lương 1 triệu NDT một năm không phải số tiền khó đạt được.
Nhưng công việc anh ấy đang làm hiện tại có mức lương hàng tháng khoảng 8.000 NDT, không có tiền thưởng cuối năm, so với những sinh viên xung quanh thì mức lương tương đối thấp.
Trên thực tế, giữa các lĩnh vực đều có khoảng cách về tiền lương và phúc lợi. Nếu so sánh giữa công việc hành chính giấy tờ với các công việc liên quan đến công nghệ nhiều tiềm năng hiện nay, chắc chắn sẽ có sự khác biệt.
Mọi người đều mong được hưởng mức lương cao hơn, nhưng sự thật là tính chất mỗi công việc sẽ rất khác nhau. Vậy nên, lương không phải là thước đo thành tích duy nhất. Theo đuổi mức lương cao cũng không có gì sai, quan trọng nhất là những sinh viên mới ra trường nên có quan điểm đúng đắn về tiền bạc.
Danh tiếng đại học hay chứng chỉ sẽ giúp ích ở một mức độ nào đó
Hai chứng chỉ mà Thạc sĩ Đại học Bắc Kinh đạt được vẫn có lợi thế cạnh tranh nhất định trong thị trường lao động hiện nay. Ít nhất trong quá trình lấy chứng chỉ, kỹ năng và kiến thức của anh đã được cải thiện, từ đó có thể áp dụng trong công việc.
Thêm vào đó, việc có một chứng đồng nghĩa với việc có thêm một bằng chứng về năng lực của bản thân với doanh nghiệp.
Dù thực tế người có học vấn cao chưa chắc đã có mức lương cao nhưng điều chắc chắn là sinh viên tốt nghiệp trường danh tiếng vẫn có những lợi thế riêng của họ. Đặc biệt là trong những vòng tuyển dụng đầu tiên, một số công ty cũng sẽ lấy trình độ học vấn làm tiêu chí hàng đầu. Bạn có thành tích học tập cao hơn thì sẽ có nhiều cơ hội được nhận hơn những người khác.
Bằng cấp không thể hiện hết năng lực, cơ hội nằm trong tay bạn
Trình độ học vấn vẫn rất quan trọng trong xã hội hiện nay. Có người cho rằng bằng đại học là bằng chứng về năng lực, nhưng cũng có ý kiến nhận định loại bằng chứng này chỉ chứng minh khả năng học tập của bản thân ở trường trung học khi đó đủ để thi đỗ vào đại học, không thể hiện được bạn là ai trong những năm tháng sinh viên.
Sau khi đỗ đại học, các bạn sinh viên đừng nghĩ rằng không cần cố gắng quá nhiều nữa vì mình đang học ở một ngôi trường danh giá. Mọi người ở đại học đều có xuất phát điểm giống nhau, sẽ không ai hỏi bạn vào trường bao nhiêu điểm. Điều quan trọng là thành tựu bạn đạt được trong quá trình học, từ hoạt động ngoại khóa, phong trào đến kết quả học tập.
Nâng cao năng lực của bản thân là việc mà sinh viên đại học nhất định phải làm, đặc biệt là những người đến từ các trường danh tiếng. Bản thân trường học sẽ cho sinh viên nhiều cơ hội rèn luyện, chủ yếu phụ thuộc vào bản thân họ có nắm bắt được cơ hội hay không.
Vậy nên sinh viên cần tận dụng thời gian học đại học để học hỏi càng nhiều kiến thức chuyên môn càng tốt. Đồng thời hãy trao đổi và làm nghiên cứu với giảng viên, giáo sư để nâng tầm kiến thức và phát huy thế mạnh của mình.
Mục tiêu mỗi người theo đuổi là khác nhau, có người mong muốn một cuộc sống thoải mái, có người lại khao khát đối mặt với nhiều thử thách.
Dù con đường mỗi người đi có khác biệt thế nào, sinh viên vẫn nên học cách không ngừng nỗ lực phát triển để hướng đến một tương lai tốt đẹp, gặt hái thành công từ sự cố gắng của mình.
Theo 163