Top tỉnh, thành phố có số chi ngân sách bình quân đầu người cao nhất cả nước: TP. HCM đứng thứ 25, Hà Nội cũng ngoài top 10

Chia sẻ Facebook
21/03/2022 21:06:15

Quảng Ninh là địa phương có tổng chi cân đối ngân sách địa phương bình quân đầu người (dự toán) cao nhất cả nước với 19,396 triệu đồng/người.

Theo dữ liệu Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022 do Bộ Tài chính công bố, Hà Nội là địa phương có tổng chi cân đối ngân sách địa phương dự toán (NSĐP) (bao gồm cả bội thu, bội chi) cao nhất cả nước, với 102.387,712 nghìn tỷ đồng. Đứng thứ hai là TP. HCM với 94.051,051 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội và TP. HCM cách khá xa so với địa phương tiếp theo là Thanh Hóa với 32.245,037 tỷ đồng. Các địa phương còn lại trong top 10 là Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bắc Ninh.

Nếu lấy tổng chi cân đối NSĐP chia cho số dân của địa phương đó (dân số theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê), thì Quảng Ninh là địa phương có tổng chi cân đối NSĐP bình quân đầu người cao nhất cả nước với 19,396 triệu đồng/người.

Hà Nội đứng thứ 14 với 12,16 triệu đồng/người, trong khi TP. HCM đứng thứ 25 với 9,99 triệu đồng/người.

Theo Báo cáo ngân sách dành cho công dân-dự toán Ngân sách nhà nước năm 2022, Dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.

Đối với dự toán thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, năm 2022 thu ngân sách trung ương là 739,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,36% tổng thu ngân sách nhà nước; dự toán thu ngân sách địa phương 672,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,64% tổng thu ngân sách nhà nước.

Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Trong số đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 526,1 nghìn tỷ đồng, chi thường xuyên là 1.112,2 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi 103,7 nghìn tỷ đồng, các khoản chi còn lại khác là 42,6 nghìn tỷ đồng.

Với dự toán chi ngân sách trung ương và địa phương, báo cáo cho biết, năm 2022, tổng số chi ngân sách trung ương là 841,31 nghìn tỷ đồng (không bao gồm bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương); tổng số chi ngân sách địa phương là 943,29 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, báo cáo này cho hay năm 2022 có 18/63 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương (tăng 2 địa phương so giai đoạn trước), gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ.

Tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP. HCM năm 2022 ở mức 21%, tăng 3 điểm % so với giai đoạn 2016 - 2021 (18%).

Theo tính toán, năm 2022, ước tính tổng thu ngân sách trên địa bàn TP. HCM đạt hơn 386.568 tỷ đồng, cao hơn 5,9% so với dự toán năm 2021, tương đương mức tăng ròng gần 21.700 tỷ đồng.

Trong số thu này, phần ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là 84.121 tỷ đồng, còn lại là các khoản phải chia ra. Trong đó, các khoản thu ngân sách địa phương TP. HCM được hưởng 100% trong năm 2022 dự kiến là 42.585 tỷ đồng, và phần được hưởng theo tỷ lệ điều tiết 21% là gần 41.536 tỷ đồng.

Như vậy, so với năm 2021, tỷ lệ điều tiết mà ngân sách TP. HCM được hưởng trong năm 2022 dự kiến cao hơn gần 6.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách Thành phố trong năm 2022 dự kiến là 94.051 tỷ đồng.

Tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách Hà Nội năm 2022 giảm xuống mức 32%, thấp hơn 3 điểm % so với giai đoạn 2016 - 2021 (35%). Theo đó, tổng thu ngân sách dự toán năm sau của Hà Nội là gần 311.651 tỷ đồng, tăng 32,3% so với dự toán năm 2021, tương ứng với hơn 76.130 tỷ đồng.

Trong đó, phần địa phương được hưởng theo phân cấp là 98.939 tỷ đồng, phần ngân sách Thành phố được hưởng 100% là hơn 45.779 tỷ đồng, và phần được hưởng theo tỷ lệ điều tiết 32% là 53.160 tỷ đồng.

So với dự toán năm 2021, dù tỷ lệ điều tiết mà ngân sách Hà Nội được hưởng trong năm 2022 giảm 3 điểm %, nhưng tổng số thực tế được hưởng vẫn tăng gần 2.000 tỷ đồng.


Tình hình ngân sách 2 tháng đầu năm 2022

Trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng thu NSNN ước đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó: thu nội địa đạt 23% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2021; thu từ dầu thô đạt 28,6% dự toán, tăng 57,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 22,6% dự toán, tăng 29,4%.

Có 8/12 khoản thu đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 17%), trong đó các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh mặc dù đạt khá so dự toán, nhưng thấp hơn so cùng kỳ năm 2021: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 20,4% dự toán, giảm 0,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,7% dự toán, giảm 12,8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25,8% dự toán, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021...

Đáng chú ý, có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 2 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán, trong đó 44 địa phương thu đạt trên 20% dự toán; 35/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 28 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt trên 69.000 tỷ đồng. Mức thu ngân sách nhà nước của Hà Nội bằng 22,6% dự toán, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt hơn 64.000 tỷ đồng.

Còn với TP. HCM, thu ngân sách 2 tháng đầu năm của Thành phố đã đạt 89.000 tỷ đồng, đạt 23% dự toán năm. Trong một ngày làm việc, Thành phố thu vào khoảng 2.200 tỷ đồng, bằng số thu của một số tỉnh trong một năm.


Theo Thái Quỳnh

Nhịp Sống Kinh tế

Chia sẻ Facebook