TOP công nghiệp 4.0 Việt Nam vinh danh 7 tỉnh, thành phố và 65 doanh nghiệp
VietTimes – Sự kiện biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - i4.0 Awards 2023 đã diễn ra chiều nay (27/5). 7 tỉnh, thành phố và 65 doanh nghiệp với 79 sản phẩm đã được biểu dương tại sự kiện được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.
Chương trình biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả việc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số cho các địa phương, các doanh nghiệp, hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Chương trình cũng nhằm biểu dương sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất, kết nối cung cầu về các giải pháp công nghệ số, xây dựng và phát triển sản xuất thông minh...
Chương trình biểu dương các địa phương và doanh nghiệp theo 4 hạng mục:
TOP Doanh nghiệp công nghiệp 4.0 với các tiêu chí chính: Tự động hóa, điều khiển tối ưu hóa quá trình sản xuất, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới để thông minh hóa sản xuất kinh doanh và hiệu quả tăng trưởng.
TOP Tổ chức/Doanh nghiệp KH&CN và Đổi mới sáng tạo với các tiêu chí: Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh; chiến lược phát triển doanh nghiệp theo hướng đầu tư khoa học và công nghệ và chuyển đổi số; mức độ đầu tư vào KH&CN và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; kết quả, thành tựu ứng dụng KH&CN, đi đầu, dẫn dắt công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
TOP Doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ công nghiệp 4.0 với các tiêu chí: Đánh giá sản phẩm, giải pháp công nghệ số, kế hoạch, chiến lược quảng bá và phát triển thị trường cho sản phẩm hay giải pháp; mô hình quản trị và môi trường doanh nghiệp, kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đánh giá kết quả, chiến lược phát triển của doanh nghiệp với sản phẩm, giải pháp.
TOP tổ chức/địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện CMCN 4.0 và chuyển đổi số với các tiêu chí: Ứng dụng công nghệ số, tự động hoá trong quá trình sản xuất; đổi mới mô hình quản trị kinh doanh.
Đây là năm thứ hai sự kiện biểu dương TOP Công nghiệp Việt Nam 4.0 được tổ chức. Hoạt động này nhằm hưởng ứng Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sự kiện do Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ trì và Hội Tự động hóa Việt Nam cùng Viện Sáng tạo Chuyển đổi số thực hiện.
Bên lề sự kiện, phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Quân - Phó trưởng Ban tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Chương trình TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam.
Là năm thứ hai được tổ chức, Chương trình biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam có gì khác so với năm đầu tiên không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quân : Năm nay, Chương trình có một điểm mới: Số lượng và chất lượng hồ sơ đều tốt hơn năm trước. Đặc biệt, các địa phương đã xuất hiện những nhân tố mới đáng biểu dương, như thành phố Bến Tre của tỉnh Bến Tre, thành phố Hải Phòng đã có rất nhiều giải pháp chỉ đạo thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Điểm khác nữa là các giải pháp của doanh nghiệp đã có những bước tiến mới, trong đó, có doanh nghiệp có số lượng giải pháp công nghệ dự thi lớn và giành được sự quan tâm của Hội đồng Chung khảo, như VNPT có tới hơn 30 giải pháp được Hội đồng Chung khảo đánh giá cao, hay một số doanh nghiệp có những giải pháp thành công, phát huy được giá trị trong quá trình chuyển đổi số.
Đây là những doanh nghiệp và giải pháp tiêu biểu, có thể phổ biến kinh nghiệm cho các đơn vị khác, để trong năm tới sẽ chuyển đổi số nhanh hơn và tốt hơn.
Những doanh nghiệp được biểu dương lần này không thiếu các "ông lớn". Nhưng các doanh nghiệp nhỏ tại sự kiện này có giải pháp nào đáng chú ý không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quân : Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chương trình vinh danh năm nay không nhiều, bởi nguồn lực của họ nhỏ, nên chưa thể đầu tư lớn cho quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp đã thể hiện được nỗ lực của mình. Trong đó, Hội đồng Giám khảo ấn tượng với Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, một số công ty về dầu khí, hoặc một số doanh nghiệp thành viên của VNPT. Đó là những đơn vị vừa có tiềm lực làm chuyển đổi số, vừa có nhận thức rất sớm về chuyển đổi số.
Đối với những doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi thấy cần khuyến khích, bởi họ đã nhận thức được và bước đầu thực hiện chuyển đổi số. Những thành công của họ nếu được động viên kịp thời, sẽ khích lệ họ tiếp tục làm tốt hơn nữa. Vì thế, trong danh sách biểu dương năm nay, một số doanh nghiệp nhỏ có kết quả chuyển đổi số hiệu quả đã được vinh danh.
Năm nay, Ban tổ chức đã biểu dương 7 tỉnh, thành phố và 65 doanh nghiệp, chứng tỏ sự kiện đã thành công khi có sức hút với nhiều đơn vị. Tuy nhiên, ông có thấy nuối tiếc điều gì, hay theo ông, chương trình lần này có gì cần chỉnh sửa để năm sau tổ chức tốt hơn không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quân : Nếu nói là tiếc nuối thì chúng tôi cũng có một chút tiếc nuối. Có nhiều doanh nghiệp những năm trước đã làm chuyển đổi số rất tốt, nhưng năm nay do khó khăn của nền kinh tế, đã ngại không tham gia chương trình. Bởi họ nghĩ rằng, những năm trước đã làm tốt nhưng năm nay, do khó khăn nên có thể chưa thành công.
Tôi hy vọng năm tới, khi nền kinh tế phục hồi, sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào Chương trình biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam.
PV: Cám ơn ông đã trao đổi!