TOP 5 tỷ lệ CASA gọi tên những ngân hàng nào?
Gia tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là một trong những mục tiêu quan trọng của các ngân hàng hiện nay nhằm giảm chi phí huy động vốn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện có khoảng 10 ngân hàng có tỷ lệ CASA đạt trên 20%, trong đó 1 ngân hàng đạt trên 50%.
TOP 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất vào cuối tháng 3/2022 vẫn là Techcombank, MB, MSB, Vietcombank, ACB, không thay đổi so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng duy trì được đà tăng của CASA trong quý đầu năm.
Techcombank vẫn đang là "quán quân" về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn. Theo báo cáo tài chính, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi ký quỹ tại Techcombank ngày 31/3/2022 là 165.745 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 50,4%, gần như không đổi so với cuối năm 2021. Được biết, động lực tăng trưởng CASA trong quý đầu năm của Techcombank đến từ khách hàng cá nhân, đóng góp 107,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8%. Ngôi vị "quán quân" CASA đã được Techcombank duy trì liên tục suốt 3 năm trở lại đây. Không dừng lại ở con số hơn 50%, Techcombank đang đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ CASA của ngân hàng sẽ đạt tới 55%.
MB tuy có sự sụt giảm về tỷ lệ CASA nhưng vẫn đứng vững vị trí thứ 2. Tổng tiền gửi khách hàng tại MB cuối quý 1/2022 là hơn 390 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với đầu năm và động lực chính là nhờ tiền gửi có kỳ hạn. Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn tại MB giảm gần 13.000 tỷ đồng trong 3 tháng xuống mức 174.591 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA giảm từ 48,7% xuống 44,7%.
MSB tiếp tục gây ấn tượng khi có tỷ lệ CASA tăng mạnh từ 35,8% cuối năm 2021 lên 38,3% quý 1/2022. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này cuối tháng 3 là 36.878 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với cuối năm 2021, tương đương tăng 8,7%. Trước đó, MSB gây nhiều bất ngờ cho thị trường khi có tiền gửi không kỳ hạn tăng tới 33% trong năm 2021, đưa tỷ lệ CASA nhảy vọt từ 29,4% lên 35,8%. Nhờ đó, MSB đã vượt qua Vietcombank trong bảng xếp hạng tỷ lệ CASA và đứng thứ 3 trong hệ thống.
Tại Vietcombank, số tiền gửi không kỳ hạn cuối quý 1/2022 đạt hơn 428,3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 23 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2021. Tỷ lệ CASA của nhà băng này cải thiện từ 35,7% hồi đầu năm lên 36,3% vào cuối tháng 3. Theo đó, Vietcombank đứng thứ 4 trong hệ thống về tỷ lệ CASA.
Năm 2022 là năm đầu tiên Vietcombank thực hiện chính sách miễn phí toàn bộ phí dịch vụ trên ngân hàng số. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Vietcombank gia tăng tiền gửi không kỳ hạn nhiều hơn nữa trong thời gian tới, khi nhu cầu giao dịch tài chính của khách hàng tăng mạnh, đặc biệt là giao dịch chuyển khoản, thanh toán online. Hiện Vietcombank cũng là ngân hàng có số tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất trong hệ thống. Đây vốn là lợi thế khác biệt giúp Vietcombank có được chi phí vốn rẻ suốt nhiều năm liền.
Ngân hàng đứng thứ 5 là ACB. Tiền gửi không kỳ hạn của ACB đã tăng hơn 7.100 tỷ đồng trong 3 tháng lên hơn 103,8 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ CASA tăng từ 25,4% lên 26,9%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo ACB cho biết, để tăng trưởng CASA, lợi thế của ACB trong thời điểm này là hệ thống ngân hàng số, và ngân hàng dự kiến sẽ ra một hành trình trải nghiệm số khép kín mới cho khách hàng. ACB cũng tổ chức những roadshow và liên kết với nhiều tổ chức Fintech. Vì thế, ban điều hành kỳ vọng Casa cao hơn, lên mức 28-29% vào cuối năm 2022.
Ngoài những ngân hàng trên, còn có một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA đạt trên 20% vào cuối tháng 3/2022 như Sacombank, VPBank, VietinBank, BIDV, Kienlongbank.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Kienlongbank khi là một ngân hàng nhỏ nhưng có tỷ lệ CASA lên tới 24,8%, đứng thứ 6 trong hệ thống. Tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi ký quỹ tại Kienlongbank tăng tới 63% trong 3 tháng lên hơn 13.000 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA nhảy vọt từ 15,5% cuối năm 2021 lên 24,8% cuối tháng 3/2022. Trước đó, Kienlongbank cũng gây ngỡ ngàng cho thị trường khi tỷ lệ CASA tăng mạnh từ 3,3% cuối năm 2020 lên 15,5% kết thúc năm 2021.
Theo Thu Thuỷ
Nhịp sống kinh tế