Top 5 động vật nhịn đói giỏi nhất trên Trái đất: Có loài sống khỏe dù 30 năm không có thức ăn
Cũng như con người, các loài vật đều phải ăn mới có thể hoạt động và phát triển.
Cũng như con người, các loài vật đều phải ăn mới có thể hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, có một số loài động vật dù không cần thức ăn ăn trong thời gian dài, thậm chí lên đến 30 năm nhưng vẫn sống khỏe mạnh. Cùng khám phá xem đó là những loài vật nào nhé.
1. Trăn hoàng gia : 6 tháng
Trăn hoàng gia hay Trăn quả bóng (tên khoa học Python regius) là một loài trăn sống ở Châu Phi. Cái tên "trăn hoàng gia" bắt nguồn từ việc nữ hoàng Ai Cập Cleopatra VII thường mang loài trăn này trên cổ tay mình. Trăn hoàng gia khá kén ăn và có thể nhịn đói nhiều tháng liền, nhất là trong mùa đông, giai đoạn sinh sản.
Trăn hoàng gia có tốc độ trao đổi chất rất chậm vì vậy chúng có thể lưu giữ năng lượng đủ để chúng di chuyển trong khoảng 6 tháng mà không cần thức ăn. Sở dĩ, trăn hoàng gia nhịn ăn giỏi như vậy là do chúng là động vật máu lạnh (động vật biến nhiệt) nên không cần phải ăn thường xuyên, không cần năng lượng để duy trì thân nhiệt như động vật máu nóng (động vật đẳng nhiệt). Hơn nữa, chúng cũng cần nhiều ngày để tiêu hóa thức ăn.
2. Bọ cạp : 1 năm
Bọ cạp là động vật không xương sống, tám chân thuộc lớp Arachnida (động vật hình nhện). Bọ cạp là một trong những sinh vật có thể sống thoải mái trong môi trường khắc nghiệt nhất thế giới. Bò cạp có thể nhịn đói trong vòng 1 năm.
Theo các nhà khoa học, quá trình tiến hóa qua nhiều triệu năm đã khiến bọ cạp có khả năng làm chậm chuyển hóa trong cơ thể. Bọ cạp có thể nạp lượng thức ăn bằng 1/3 trọng lượng cơ thể chúng chỉ trong một bữa. Do đó, bọ cạp vẫn có thể sống mà không cần ăn gì trong thời gian dài.
3. Cá sấu : 3 năm
Cá sấu là các loài thuộc họ Crocodylidae (đôi khi được phân loại như là phân họ Crocodylinae). Cá sấu được mệnh danh là sát thủ đầm lầy bởi chúng có phương thức săn mồi rất linh hoạt, thông minh. Tưởng chừng với khả năng đáng sợ như vậy, tỷ lệ săn mồi của cá sấu hẳn phải rất cao, thế nhưng, cá sấu lại là một trong những loài có thể sống sót suốt một thời gian dài mà không cần ăn uống gì.
Thậm chí, nếu được đánh chén một bữa no nê thì cá sấu hoàn toàn có thể nhịn ăn trong 3 năm mà sức khỏe của chúng vẫn không thay đổi. Các nhà khoa học đã đưa ra câu trả lời cho hiện tượng này là bởi cá sấu có một chế độ gọi là ngủ hè. Hiện tượng ngủ hè này tương tự với ngủ đông nhưng khác ở chỗ quá trình này giúp chúng bảo tồn năng lượng để sống sót qua giai đoạn thức ăn khan hiếm.
4. Manh giông : 10 năm
Manh giông (danh pháp khoa học: Proteus anguinus) là loài động vật có xương sống sống trong hang duy nhất được tìm thấy ở châu Âu của chi Proteus. Chúng thường sống trong hang động dưới nước ở các quốc gia vùng Balkans và Ý. Manh giông có khả năng sống lâu hàng chục năm mà… chẳng cần ăn uống.
Nhóm nhà khoa học ở Đại học Eötvös Loránd, Hungary đã nghiên cứu về lối sống và tập tính của loài này. Họ phát hiện rằng manh giông có khả năng nhịn ăn giỏi như vậy vì chúng có hoạt động trao đổi chất rất thấp. Thức ăn của chúng chủ yếu là ốc sên và động vật giác xác. Tuy nhiên trong hang không có nhiều những loài này nên manh giông đã tự hấp thụ dinh dưỡng từ mô của chính mình để cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể.
5. Gấu nước : 30 năm
Gấu nước là tên gọi phổ biến của ngành động vật Tardigrada, chúng là các sinh vật nhỏ bé, sống trong nước, thuộc nhóm các động vật có kích thước hiển vi có tám chân. Chúng được mô tả lần đầu tiên bởi mục sư Johann August Ephraim Goeze vào năm 1773. Tên Tardigrada được đặt ba năm sau đó bởi nhà sinh vật học người Ý Lazzaro Spallanzani.
Chỉ dài một milimet, cơ thể nhỏ bé của gấu nước ẩn giấu nhiều siêu năng lực giúp chúng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt như có thể sống mà không cần thức ăn trong 30 năm. Theo nhận định của các nhà khoa học, khi gấu nước bắt đầu vào quá trình trao đổi chất, chúng sẽ đẩy chậm quá trình này xuống còn 0,01% so với bình thường. Khả năng thần kỳ này đã giúp chúng có thể di chuyển mà không cần thức ăn trong hàng chục năm.
*Bài viết được tổng hợp từ Grunge, AZAnimals, NatGeo.