Top 15 quốc gia có GDP (PPP) năm 2022 lớn nhất châu Á theo dự báo của IMF: Việt Nam xếp thứ mấy?
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2022, Trung Quốc là nền kinh tế có GDP theo sức mua tương đương (PPP) lớn nhất ở châu Á, tiếp theo là Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam được dự báo có GDP (PPP) đạt khoảng 1.278 tỷ USD, xếp thứ 3/11 trong khu vực Đông Nam Á.
Trên thực tế, GDP theo sức mua tương đương (PPP) được các tổ chức quốc sử dụng để phản ánh chính xác hơn sự phát triển của một quốc gia. Cùng với đó, GDP (PPP) sẽ phản ánh một phần chất lượng đời sống của người dân trong một khu vực.
Theo dự báo của IMF, năm 2022, 5 nền kinh tế lớn nhất gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc, chiếm khoảng 76,15% GDP (PPP) của châu Á. Trong khi đó, Đông Timor là nền kinh tế được dự báo có quy mô GDP (PPP) nhỏ nhất châu Á.
Bên cạnh đó, châu Á có 13 quốc gia được dự báo có GDP (PPP) trên 1.000 tỷ USD và 28 quốc gia được dự báo có GDP (PPP) trên 100 tỷ USD.
Trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia được dự báo lọt top 15 quốc gia có GDP (PPP) lớn nhất châu Á năm 2022.
Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia với thứ hạng lần lượt là 8, 10, 11 và 13 trong top 15 các quốc gia được dự báo có GDP (PPP) lớn nhất châu Á năm 2022
Xét riêng các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, Indonesia được dự báo có quy mô GDP (PPP) dẫn đầu các nước trong khu vực, đạt khoảng 3.995 tỷ USD vào năm 2022. Cùng với đó, Thái Lan và Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với dự báo GDP (PPP) đạt khoảng 1.476 tỷ USD và 1.278 tỷ USD.
Cùng với đó, Philippines, Malaysia, Singapore, Myanmar, Campuchia, Lào, Brunei và Đông Timor được dự báo với quy mô GDP (PPP) đạt lần lượt là 1.144 tỷ USD, 1.089 tỷ USD, 702 tỷ USD, 257 tỷ USD, 88 tỷ USD, 69 tỷ USD, 33 tỷ USD và 4,57 tỷ USD.
Theo dự báo của IMF, so với năm 2021, GDP (PPP) của Việt Nam tăng 144,04 tỷ USD. Indonesia là nước duy nhất có mức tăng cao hơn Việt Nam khi GDP (PPP) tăng 429 tỷ USD.
Trong khi đó, các quốc gia khác có sự cải thiện nhưng chậm hơn như: Philippines (tăng 132,76 tỷ USD), Thái Lan (132 tỷ USD), Malaysia (tăng 118,75 tỷ USD), Singapore (tăng 66,53 tỷ USD), Myanmar (tăng 19,04 tỷ USD), Campuchia (tăng 9,2 tỷ USD), Lào (tăng 6 tỷ USD) và Brunei (tăng 3,7 tỷ USD).